1. Bạn có thể sẽ giảm cân nhanh hơn
Một điều thường gặp với những người đang cố gắng giảm cân, đó là: để cố gắng có cảm giác no trong suốt cả ngày mà lại nạp vào ít năng lượng, rất nhiều người sẽ uống 5-6 lon soda ăn kiêng một ngày vả chỉ ăn một bữa tối duy nhất.
Và kể cả khi bữa ăn đó chỉ là một bữa ăn nhỏ (để giữ lượng calo nạp vào cơ thể một ngày luôn ở mức thấp), thì những người này vẫn thấy rằng họ không thể giảm cân được.
Nguyên nhân vì sao? Đó có thể là do lượng đường ẩn giấu trong các lon soda. Các loại chất tạo ngọt nhân tạo, nếu không được tiêu thụ cùng với các loại thực phẩm khác, có thể sẽ dẫn đến việc giải phóng insulin bởi cơ thể sẽ mong muốn có một món đồ ăn ngọt. Insulin lại là một hormone hỗ trợ quá trình tích tụ mỡ.
Thường xuyên ăn các bữa ăn nhỏ để tránh làm lượng insulin tăng vọt (thay vì uống soda ăn kiêng) sẽ giúp bạn có thể giảm cân nhiều hơn.
Ngoài ra, nếu bạn có ý định thay thế các loại đồ uống có chứa đường bằng các loại soda ăn kiêng hay đồ uống không đường vì nghĩ rằng chúng tốt cho sức khỏe hơn, thì bạn lại đang nạp vào cơ thể mình một lượng calo rỗng và có thể sẽ dẫn đến tăng cân.
Một cách để tránh khỏi tình trạng này là hãy thay thế các loại đồ uống ăn kiêng bằng nước lọc hoặc trà thảo mộc không đường. Cùng với đó, hãy đảm bảo rằng bạn ăn một chế độ ăn có chứa thịt nạc, chất xơ và các chất béo có lợi cho sức khỏe để giúp bản thân luôn cảm thấy no.
2. Ham muốn thèm đồ ngọt của bạn sẽ biến mất
Trong các nghiên cứu trên động vật, các chất tạo ngọt nhân tạo trong thực phẩm sẽ khiến não bộ thèm đồ ngọt và muốn được nạp năng lượng nhiều hơn, theo như một kết quả nghiên cứu trên động vật tại Đại học Sydney.
Kết quả này một lần nữa khẳng định rằng, các loại đồ ăn/thức uống không đường (sugar-free) có thể sẽ không có lợi như nhiều người vẫn nghĩ.
Khi não bộ nghĩ rằng chúng ta sẽ chuẩn bị ăn đồ ngọt nhưng sau đó món đồ ăn lại không ngọt như sự mong đợi của não bộ thì sẽ kích thích cơn thèm đồ ngọt để thỏa mãn nhu cầu này. Khi bạn ngừng tiêu thụ các chất tạo ngọt nhân tạo, não bộ sẽ không “hi vọng” nữa, và do vậy, bạn cũng sẽ không thèm đồ ngọt nữa.
3. Giảm nguy cơ tiểu đường
Các chất tạo ngọt nhân tạo có thể sẽ góp phần vào bệnh tiểu đường typ 2. Một nghiên cứu năm 2009 trên tạp chí Diabetes Care chỉ ra rằng, uống soda ăn kiêng hàng ngày có chứa các chất thay thế đường sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường typ 2 lên 67%.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng, các loại đồ uống có chứa chất tạo ngọt nhân tạo có liên quan đến tình trạng tăng đường huyết lúc đói và sẽ làm tăng số đo vòng bụng – 2 yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh tiểu đường.
Nguyên nhân có thể là do các chất tạo ngọt chứa calo rỗng sẽ làm tăng mức độ thèm đồ ngọt của bạn và/hoặc sẽ kích thích bạn ăn nhiều hơn.
4. Đường ruột của bạn sẽ khỏe mạnh hơn
Có rất nhiều lời đồn đại về việc xây dựng hệ vi sinh vật đường ruột tốt, bởi chúng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ béo phì.
Theo một nghiên cứu trên động vật vào năm 2013, ngừng tiêu thụ “đường giả” có thể sẽ giúp nuôi dưỡng một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh và sẽ hạn chế được nguy cơ bị béo phì.
Trong nghiên cứu này (được xuất bản trên Journal of Toxicology and Environmental Health), các nhà nghiên cứu đã xem xét một loại chất thường được dùng để thay thế đường có tên là sucralose.
Trước đây, có nhiều giả thiết cho rằng loại đường này sẽ đi qua hệ tiêu hóa mà không bị biến đổi gì, do vậy, sẽ không gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu đã thấy rằng, một số phân tử đường thực ra cũng được chuyển hóa, và có thể sẽ khiến hệ vi sinh vật đường ruột bị biến đổi.
Mặc dù cho đến nay, việc thay đổi của các vi sinh vật đường ruột này có thể sẽ dẫn đến hậu quả gì, nhưng rõ ràng, một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh rất quan trọng với hệ miễn dịch, quá trình trao đổi chất cũng như sức khỏe nói chung.
Và chất tạo ngọt nhân tạo chắc chắn sẽ làm mất đi sự cân bằng của hệ vi sinh vật trong cơ thể và gây ra những vấn đề về sức khỏe.
5. Nếu bạn đang cho con bú, sữa của bạn sẽ có vị khác
Em bé cũng sẽ có thể ăn những gì mà bạn ăn. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, chế độ ăn của bạn sẽ ảnh hưởng đến hương vị sữa mẹ và có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của bé sau này. Điều này đúng với các loại đậu đỗ, cà rốt và có thể là cả với các chất tạo ngọt nhân tạo nữa.
Một nghiên cứu năm 2015 của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ chỉ ra rằng, có sự có mặt của sucralose, acesulfame-K, và saccharin (3 loại đường) trong sữa mẹ của 65% số bà mẹ cho con bú mà họ nghiên cứu.
Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định xem liệu có hậu quả gì nếu 3 chất này có mặt trong sữa mẹ hay không, nhưng sự có mặt của 3 chất này trong sữa mẹ chắc chắn sẽ khiến sữa mẹ có vị ngọt hơn bình thường.
Và do đó, có thể sẽ khiến bé “hảo ngọt” từ khi còn đang bú mẹ, thậm chí sở thích “hảo ngọt” này có thể sẽ vẫn duy trì cho tới khi trưởng thành.
Lưu ý một chút, bạn có thể sẽ bị đau đầu nếu bạn là người có thói quen uống soda ăn kiêng thì bạn có thể sẽ xuất hiện một triệu chứng cai là đau đầu, do việc cắt giảm đột ngột caffein. Tình trạng này sẽ giảm dần theo thời gian và sẽ được hạn chế bằng cách giảm từ từ lượng caffein.
Theo Ts.Bs. Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (Sức Khỏe & Đời Sống)