Số liệu mới nhất của Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) thống kê năm 2018, với dân số hơn 96 triệu người, Việt Nam trong năm qua có tới gần 165.000 ca ung thư mới mắc, nghĩa là mỗi ngày có hơn 450 người Việt phát hiện mắc ung thư; gần 115.000 người tử vong do ung thư và hơn 300.000 người đang sống chung với căn bệnh này.
30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt trước khi qua đời vì khối u
ThS.BS Bùi Quang Biểu, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 dẫn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong số hàng trăm nghìn ca tử vong vì ung thư mỗi năm, 80% bệnh nhân bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u.
Đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Rất ít bệnh nhân quan tâm đến việc ăn uống thế nào cho hợp lý.
Thêm vào đó, nhiều bệnh nhân và gia đình thiếu hiểu biết, do lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát còn ăn kiêng quá mức dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Rất nhiều người bệnh ung thư bị suy kiệt không đủ sức chống đỡ với bệnh tật.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân. Tình trạng phổ biến trên đa số bệnh nhân ung thư hiện nay chính là suy kiệt cơ thể.
Cần lưu ý chế độ ăn uống cho bệnh nhân ung thư ra sao?
Với bệnh nhân ung thư, có 3 phần, trước - trong và sau quá trình điều trị. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho từng phần là cách tăng cường thể lực cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân giảm thiểu những bất lợi của các tác dụng phụ từ phương pháp điều trị. Từ đó, giúp bệnh nhân có cảm giác sống khoẻ hơn.
Một chế độ ăn đầy đủ nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động thể lực... sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khoẻ để chống lại ung thư chứ không phải là "cung cấp thêm chất đạm cho khối u" như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Việc nhịn ăn, kiêng cữ phi khoa học sẽ khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng, teo cơ, suy giảm chức năng vận động, sức đề kháng; Vết mổ chậm lành, dễ nhiễm trùng, thậm chí không đủ sức để được phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Từ đó, vừa suy giảm chất lượng sống người bệnh, vừa tăng chi phí điều trị, kéo dài thời gian nằm viện.
Người nhà cũng nên khuyên người bệnh chịu khó vận động, ít nằm một chỗ để cơ thể được thoải mái, đầu óc được thư giãn, tránh suy nghĩ quá sẽ giúp cho việc điều trị đạt kết quả cao hơn.
Gia đình nên chiều theo khẩu vị của người bệnh, chia nhỏ các bữa ăn để người bệnh dễ hấp thụ dưỡng chất. Trong thời gian bệnh và điều trị, bệnh nhân cũng thường bị thay đổi khẩu vị. Thực phẩm đặc biệt là thịt hoặc những thực phẩm có hàm lượng cao thường gây cho bệnh nhân có cảm giác đắng hoặc có mùi tanh.
Để giúp người bệnh giảm thiểu được tình trạng khó chịu nên cho bệnh nhân "súc miệng" trước khi ăn; Ăn những loại trái cây có vị chua như cam, quýt, chanh, bưởi... (ngoại trừ trường hợp những bệnh nhân đang bị tổn thương đau ở miệng, hầu họng); Ăn bữa nhỏ nhiều lần trong ngày; Tăng cường ăn những thức ăn ưa thích và không nên ăn nhiều thịt đỏ; Sử dụng các loại gia vị và nước sốt trong món ăn...
Đa phần bệnh nhân hoá trị liệu thường buồn nôn và nôn. Lời khuyên của các bác sĩ là nên cho người bệnh ăn trước khi đói vì cơn đói làm tăng cảm giác buồn nôn; uống nhiều nước, uống chậm, nhiều hớp trong ngày; tránh những thức ăn dầu mỡ, cay nồng, nặng mùi...; ăn thành nhiều bữa nhỏ và ăn những thực phẩm khô như bánh quy giòn, bánh mì nướng...
Với bệnh nhân ung thư, nên uống 8-12 ly nước mỗi ngày (tương đương 2-2,5 lít nước). Có thể là nước chín, nước ép rau, quả, sữa hoặc những thực phẩm có chứa nhiều nước... Điều quan trọng là uống nước ngay cả những lúc không khát. Tuy nhiên nên hạn chế những thức uống chứa cafein...
Theo Quỳnh An (Giadinh.net.vn)