5 biểu hiện ở lưỡi cảnh báo bệnh

26/12/2021 21:18:17

Chúng ta sử dụng lưỡi để nhai, nuốt, nói và bộ phận này cũng đưa ra những dấu hiệu về tình trạng sức khỏe.

Một số người đã trải qua khoảnh khắc khó chịu khi cắn vào lưỡi hoặc ăn thứ gì quá nóng. Tình trạng này có thể khiến bạn bị đau lưỡi, nhưng cảm giác đó thường biến mất trong vài ngày.

Nhưng có những vấn đề ở lưỡi khác có thể gây lo ngại cho bạn: 

1. Khối u và vết sưng

Tiến sĩ Ross Perry giải thích: “Các cục u và sưng bất thường bên trong miệng cần được bác sĩ kiểm tra. Đó có thể là vết loét chảy máu hoặc vết loét lâu không lành, đặc biệt ở nướu”.

"Đôi khi tình trạng tồn tại dai dẳng, kéo dài hàng tháng trời. Khi đó, chắc chắn bạn phải đi khám".

Vị bác sĩ nói thêm, bất cứ điều gì khác lạ như cục u và vết sưng quanh vùng hàm có thể liên quan đến nhiễm trùng nướu và miệng.

5 biểu hiện ở lưỡi cảnh báo bệnh
Ảnh minh họa: Everydayhealth

2. Lưỡi bỏng rát

Cảm giác bỏng rát ở lưỡi thường do ăn uống món gì đó quá nóng, hoặc nước súc miệng, kem đánh răng gây kích ứng.

Nếu không có các nguyên nhân như trên, khả năng người bệnh gặp phải tình trạng hiếm gọi là hội chứng bỏng rát lưỡi cần được bác sĩ đa khoa kiểm tra. Có nhiều yếu tố dẫn tới hội chứng trên như nhiễm nấm candida, hệ miễn dịch tấn công niêm mạc miệng, bệnh nội tiết, thiếu vitamin…

3. Ngứa lưỡi

Nếu bạn cảm thấy ngứa lưỡi và có các mảng trắng thì đây dễ là tình trạng nấm miệng cần được điều trị.

Ngoài ra, người bị ngứa lưỡi có thể bị hội chứng dị ứng miệng. Bệnh nhân có phản ứng với một số loại thực phẩm nhất định nên khi ăn bị ngứa, đau, sưng đỏ môi, miệng, lưỡi, cổ họng trong vài phút.

4. Có mảng trắng

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cho biết, có một số lý do khiến lưỡi của bạn có màu trắng hoặc lốm đốm các mảng trắng.

Bệnh linchen phẳng là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng trên. 40-60% người mắc bệnh này có tổn thương ở niêm mạc lưỡi, má… Bệnh ở dạng cấp tính hoặc mạn tính, có thể điều trị bằng thuốc bôi và uống để ổn định.

5. Mảng màu xám và trắng

Nếu bạn có các mảng trắng, xám trên lưỡi, trong khoang miệng thì có thể bạn đang bị bạch sản.

Không phải lúc nào cũng cần điều trị bạch sản, nhưng bạn sẽ phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên để đảm bảo mảng này không mở rộng. Tình trạng đó có thể tiến triển thành ung thư miệng.

Hiện các nhà khoa học xác định một số yếu tố nguy cơ dẫn tới bạch sản như hút thuốc, uống nhiều rượu, răng không đồng đều, chấn thương trong khoang miệng, virus EBV.

Bệnh xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới, phổ biến ở nhóm 50-70 tuổi.

Theo An Yên (VietNamNet)

Nổi bật