Con đường lan truyền của SARS-CoV-2
SARS-CoV-2 hiện có mặt ở trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Virus này chứa đựng rất nhiều bí ẩn mà bí ẩn lớn nhất là cách nó gây dịch COVID-19 chính xác ra sao và lây lan như thế nào? Có người cho rằng SARS-CoV-2 lây qua tiếp xúc vật lý, nhưng nghiên cứu mới cho thấy virus có thể tồn tại trong không khí trong khoảng thời gian nhất định.
Khả năng “sống chung” của trẻ em với SARS-CoV-2
Thông thường, trẻ nhỏ, người già, nhóm mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu... là nhóm rủi ro mắc bệnh cao nhưng thực tế trẻ em lại miễn dịch tốt hơn. Tuy là tin tốt lành, nhưng nó lại rất bí ẩn, khoa học vẫn chưa rõ tại sao.
Chưa hết, có người mắc bệnh lại không mang bất cứ triệu chứng gì, điều này đã “chống lưng” cho SARS-Cov-2 lây lan nhiều người hơn bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào. Khoa học không biết có bao nhiêu trường hợp ngoại lệ như vậy, đây là lý do chính đằng sau sự lây lan nhanh của dịch COVID-19 vừa qua.
Vòng vo hết âm tính rồi lại dương tính
Đây là một vấn đề mới không giải thích được trên góc độ y học thuần túy, chính điều này mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu tất cả các bệnh nhân hồi phục nên kiểm tra âm tính với virus 2 lần trong khoảng thời gian ít nhất là 24 giờ giữa các lần kiểm tra. Theo một số chuyên gia, rất có thể virus có khả năng tự hủy kích hoạt và tự kích hoạt trở lại ngay bên trong vật chủ. Trong trường hợp này là con người hoặc bị tái nhiễm từ các nguồn khác sau khi được xuất viện hoặc vì lý do nào đó chưa được biết đến. Điều này rất quan trọng trong việc phòng ngừa, đặc biệt là tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng.
Liên quan tới việc tái nhiễm, nhiều người cho rằng nó có liên quan tới sự tiến hóa của virus ngay trong cơ thể vật chủ như con người, chúng luôn cần một thời gian để tiến hóa và học cách lây nhiễm các vật chủ mới. Chủng SARS-CoV-2 hiện tại không cần phải thay đổi bản thân để lây nhiễm nhiều vật chủ hơn vì nó đã có thể làm điều đó mà không cần nhiều công sức.
Vì sao người trẻ cũng tử vong vì COVID-19?
Thực tế, đại dịch thường là mối đe dọa đối với người cao tuổi. Tuy nhiên, riêng đại dịch COVID-19 lại có những khác biệt, vì những người trẻ tuổi thường có miễn dịch tốt nhưng lại là những đối tượng vẫn có thể bị tử vong. Có gì đó khó hiểu, chứng tỏ virus ảnh hưởng đến các nhóm người theo nhiều cách khác nhau. Tìm được câu trả lời chính xác có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ngăn chặn bệnh.
Cơ chế phục hồi từ COVID-19
Tại thời điểm này, bí ẩn gây chết người của SARS-CoV-2 vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa hiểu hết và ngay cả việc phục hồi sau khi bị virus tấn công cũng chưa tường cặn kẽ. Trong hầu hết các loại bệnh, bệnh nhân hồi phục là do cơ thể phát triển các kháng thể. Nhưng ở phần lớn bệnh nhân COVID-19, việc hồi phục của họ lại không đúng với quy trình khiến khoa học không khỏi đau đầu.
Trong một nghiên cứu do các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện gần đây, cơ thể hầu hết nhiều ca phục hồi vẫn phát triển các kháng thể đặc biệt đối với chủng SARS-CoV-2 nhưng lại có tới 30% bệnh nhân không có dấu hiệu tạo ra các kháng thể kiểu này hoặc bất kỳ kháng thể ở dạng khác, điều đó cho thấy việc phục hồi của họ chứa nhiều điều khoa học vẫn chưa giải mã được.
Theo Duy Khoa (Sức Khỏe & Đời Sống)