Những ngày gần đây, tại các tỉnh miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội thời tiết nắng nóng gay gắt, gia tăng tình trạng trẻ nhỏ phải nhập viện điều trị.
Theo chuyên gia sức khỏe, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh của trẻ nhỏ gia tăng trong mùa hè đó chính là do cha mẹ sử dụng quạt, điều hòa làm mát sai cách cho con.
1. Bật điều hòa trong thời gian dài
Mặc dù nói rằng điều hòa nhiệt độ có thể mang lại cảm giác mát mẻ cho trẻ, nhưng trẻ em ở trong phòng điều hòa lâu sẽ gặp phải các triệu chứng như chán ăn và đau đầu, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, hệ miễn dịch vẫn còn kém, dễ mắc “bệnh điều hòa”. Hơn nữa, sử dụng điều hòa lâu ngày sẽ khiến không khí trong nhà không được lưu thông dẫn đến vi khuẩn phát triển, từ đó gây kích thích đường hô hấp và trẻ dễ bị nhiễm khuẩn.
Điều đáng sợ hơn là nguy cơ điều hòa cháy nổ, gây ngộ độc khí carbon monoxide. Tuy sự cố này hiếm khi xảy ra nhưng cha mẹ không nên bất cẩn, phải thường xuyên kiểm tra đường dây của điều hòa để tránh hiện tượng cháy tự phát do dòng điện quá cao hoặc do chập dây dẫn.
Khi cho trẻ nằm phòng điều hòa, nhất là vào ban đêm, không nên bật điều hòa suốt đêm, có thể sử dụng ngắt quãng, chẳng hạn như: sau khi nhiệt độ trong nhà hạ nhiệt có thể tạm ngừng dùng điều hòa và bật lại sau một thời gian.
2. Để điều hòa thổi trực tiếp vào trẻ
Hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn rất yếu, vì vậy nếu để điều hòa thốc thẳng vào người trẻ sẽ khiến con dễ mắc phải các bệnh như: viêm mũi, viêm phế quản, đau họng, cảm lạnh… Thế nên bạn hãy đảm bảo rằng vị trí trẻ nằm ngủ cách xa luồng gió lạnh thốc ra từ điều hòa.
Tốt nhất vị trí đặt điều hòa nên ở trên cao, cánh cửa gió của điều hòa không đặt trực tiếp hướng về phía trẻ nằm, cũng không đặt tốc độ quạt gió quá mạnh. Nên đặt ở tốc độ quạt gió thấp nhất và để ở chế độ quay, tuyệt đối không để ở chế độ chạy thẳng một góc.
3. Để nhiệt độ quá thấp
Nếu để mức nhiệt trong phòng điều hòa quá thấp, sự chênh lệch nhiệt độ nóng - lạnh giữa ngoài trời và bên trong phòng sẽ là yếu tố tấn công sức khỏe trẻ, dẫn tới trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm phổi. Vì vậy, nhiệt độ điều hòa hợp lý không nên thấp hơn 26 độ C, chênh lệch nhiệt độ với bên ngoài không quá 5-8 độ.
4. Không vệ sinh điều hòa thường xuyên
Phòng bật điều hòa nếu không thường xuyên vệ sinh sạch sẽ để loại bỏ các vi khuẩn, nấm mốc tích tụ lâu ngày sẽ sinh bệnh cho bé.
Ngoài ra việc điều hòa hoạt động liên tục có thể tích tụ các vi khuẩn, các mảng bám bên trong gây hại rất lớn đối với sức khỏe của trẻ, làm trẻ dễ mắc bệnh. Bạn nên vệ sinh điều hòa thường xuyên (1-2 tuần/ lần) để làm sạch và loại bỏ những nấm mốc, vi khuẩn gây hại sức khỏe, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Một số nguyên tắc cần nhớ khi sử dụng điều hòa như:
Duy trì nhiệt độ phù hợp
Với trẻ em, đặc biệt những trẻ từ 1 tuổi trở lên nên để nhiệt độ phòng duy trì 26-27 độ C sẽ an toàn cho đường hô hấp trẻ em vì hệ hô hấp của trẻ rất nhạy cảm. Phụ huynh nên trang bị nhiệt kế phòng để đảm bảo nhiệt độ duy trì thích hợp.
Không sử dụng điều hòa quá 4 giờ liên tục
Các chuyên gia cảnh báo, ngủ trong phòng điều hòa quá 4 giờ liên tục sẽ làm khô da, khô niêm mạc. Do đó, với trẻ em có hệ miễn dịch yếu nên chỉ sử dụng điều hòa trong 2-3 giờ, sau đó dừng khoảng 30 phút rồi mở lại.
Khi trẻ mới đi từ ngoài trời nắng vào phòng, nên có thời gian thích nghi khoảng 5 phút rồi mới bật điều hòa, tránh việc chênh lệch nhiệt độ sẽ dễ làm mắc bệnh. Khi cho trẻ rời khỏi phòng điều hòa nên tắt khoảng 20-30 phút mới ra ngoài.
Đắp chăn mỏng cho trẻ khi ngủ
Khi cho trẻ ngủ phòng điều hòa, hãy đắp cho con một tấm chăn mỏng. Đặc biệt phải che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Bên cạnh đó, mặc cho trẻ những bộ quần áo thấm mồ hôi tốt, tránh mồ hôi ngấm ngược gây cảm lạnh cho trẻ.
Cho trẻ uống nhiều nước
Theo các chuyên gia, việc đáng lo ngại nhất của trẻ khi nằm phòng điều hòa là bị mất nước. Mất nước không những khiến cơ thể suy nhược, dễ bị ốm mà còn khiến con hay gặp táo bón do phân cứng khó tiêu.
Bố mẹ nên bổ sung cho bé thật nhiều nước khi con nằm điều hòa như nước lọc, sữa mẹ, sữa công thức, nước trái cây hay canh súp…. Bên cạnh đó, cho trẻ ăn nhiều rau quả, trái cây chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống lại các tác nhân gây bệnh.
Ngoài ra, phải thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho bé để giữ độ ẩm cần thiết cho cơ thể, tránh khô mũi: Khi trẻ vừa đi ngoài trời nắng về, không cho trẻ vào phòng điều hòa ngay sẽ rất nguy hiểm. Cần lau khô mồ hôi và cho trẻ nghỉ ngơi, ngồi quạt mát trong khoảng vài phút để trở về trạng thái thân nhiệt bình thường rồi mới vào phòng điều hòa.
Đồng thời, chú ý vệ sinh điều hòa định kỳ 4-6 tháng một lần. Điều này sẽ tránh các loại nấm mốc, mầm bệnh lưu trú trong máy có cơ hội phát triển. Hơn nữa, phòng điều hòa cũng phải được dọn dẹp sạch sẽ. Khi không bật điều hòa, nên mở cửa phòng để không khí lưu thông, tránh vi khuẩn sinh sôi trong phòng kín.
PN (Nguoiduatin.vn)