Sỏi thận không phải là căn bệnh hiếm gặp, nhưng nó lại gây ra những cơn đau quặn thắt ở lưng, bàng quang, khiến việc đi tiểu tiện gặp rất nhiều khó khăn. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận, nhưng 80% trong số đó là do sự hình thành của sỏi canxi oxalat, sỏi canxi urat… Những loại sỏi này được tạo ra bởi việc tiêu thụ quá nhiều hàm lượng purine.
Purine là hợp chất hữu cơ có nhiều trong động vật và thực vật, sau khi vào cơ thể nó sẽ bị oxy hóa thành axit uric. Nếu ăn quá nhiều thực phẩm chứa purine sẽ khiến một lượng lớn axit uric hình thành, theo thời gian sẽ gây ra bệnh gút và sỏi thận.
4 loại thực phẩm có hàm lượng purine cao
Hải sản là loại thực phẩm rất giàu purine, việc ăn quá nhiều và thường xuyên sẽ rất dễ gây ra sỏi thận. Tuy nhiên, ngoài hải sản còn có một số thực phẩm khác cũng chứa hàm lượng purine cao nhưng không phải ai cũng biết, đó là:
1. Nước dùng cô đặc
Có một số món ăn sử dụng loại nước dùng được ninh từ xương, nội tạng động vật, hải sản… Nước dùng này được ninh đi ninh lại nhiều lần đến mức cô đặc. Sau quá trình hâm lại nhiều lần như thế, rất nhiều phản ứng hóa học xảy ra và chất purine cũng hình thành.
Purine khi vào cơ thể người sẽ chuyển hóa thành axit uric, nếu không uống nước nhiều sẽ tích tụ ở thận. Nếu bạn có thói quen húp các loại nước dùng cô đặc, theo thời gian hãy cẩn thận với sỏi thận.
2. Nội tạng động vật
Gan, tụy, cật, óc, phổi và các cơ quan nội tạng khác của động vật là những thực phẩm được không ít người ưa chuộng. Mặc dù chúng cũng có chất dinh dưỡng, mùi vị thơm ngon, nhưng hàm lượng purine cao không thua gì hải sản, nếu ăn nhiều chắc chắn sẽ gây sỏi thận.
3. Bia
Mùa hè là thời điểm không thể thiếu những cuộc tụ tập bạn bè ăn uống nhậu nhẹt vào ban đêm. Đây cũng là thời điểm người ta tiêu thụ bia nhiều nhất. Trong bia chứa nhiều axit uridylic, purine lại là thành phần tạo ra axit uridylic, do đó càng uống bia nhiều sẽ càng làm tăng hàm lượng purine trong cơ thể.
Uống nhiều bia sẽ khiến hàm lượng axit uric trong máu tăng cao, trải qua quá trình tuần hoàn, nó sẽ đi vào trong các mô cơ thể và hình thành lên các tinh thể. Đồng thời, quá trình này cũng gây cản trở cho thận đào thải axit uric, dẫn tới hình thành sỏi thận.
4. Đồ uống có ga
Dù là người lớn hay trẻ nhỏ thì cũng khó cưỡng lại sức hấp dẫn của những ly nước ngọt có ga mát lạnh. Uống quá nhiều thức uống chứa đường hóa học không chỉ gây ra béo phì mà còn ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi và magiê của cơ thể, đặc biệt còn làm tăng nồng độ axit oxalic, có liên quan tới sỏi thận.
Ngoài ra, bản chất của nước ngọt có tính lợi tiểu, dễ khiến cho cơ thể mất nước, các axit uric sẽ tích tụ lại trong cơ thể người, cuối cùng là gây ra sỏi thận.
Một số thực phẩm khác gây ra sỏi thận
Bên cạnh nguyên nhân chính gây ra sỏi thận là do ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng purine cao, thì còn có một số thực phẩm khác cũng có liên quan.
- Thực phẩm giàu chất béo
Mức sống ngày càng cao khiến mọi người có xu hướng thích ăn đồ ăn nhanh hơn, hầu hết trong số đó đều chứa quá nhiều chất béo. Việc tiêu thụ những thực phẩm này không chỉ làm tăng nguy cơ béo phì, mà trên thực tế chất béo còn làm giảm lượng canxi tổng hợp ở ruột, tăng hấp thu axit oxalac, gây ra sỏi thận.
- Thức ăn chứa nhiều muối
Muối chứa nhiều ion natri, sau khi vào cơ thể nó sẽ chuyển hóa và làm mất đi các ion canxi. Ăn mặn cũng sẽ làm tăng sự bài tiết natri và canxi vào nước tiểu, làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.
- Thực phẩm giàu axit oxalic
Khi có nhiều axit oxalic trong cơ thể, nó sẽ làm giảm tác dụng của các nguyên tố vi lượng. Sự kết hợp của axit oxalic với canxi tạo ra canxi oxalat, có thể gây kết tủa, lắng đọng tạo thành sỏi ở các cơ quan tiết niệu, gan mật, tụy.
Một số loại thực phẩm có hàm lượng axit oxalic cao như bắp cải, rau muống, măng ngâm… Nếu ăn một lượng vừa phải sẽ không có vấn đề gì, nhưng nếu ăn quá nhiều cần phải bổ sung nước để đào thải chúng ra ngoài, tránh việc hình thành sỏi thận.
Theo Phan Hằng (Báo Dân Sinh)