Rau xanh vốn là thực phẩm có chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa được gọi là flavonoid. Chất flavonoid này có khả năng ngăn ngừa ung thư bằng cách ức chế viêm, kiểm soát sự phát triển của tế bào và thậm chí khiến khối u tự biến mất.
Tuy nhiên, có nhiều loại rau quen thuộc trong cuộc sống thực sự chứa rất nhiều ký sinh trùng, giun sán. Nếu không biết cách làm sạch thì bạn tốt nhất không nên ăn chúng.
4 loại rau quen thuộc chứa nhiều ký sinh trùng nhất
1. Rau sống
Các loại rau dùng để ăn sống cung cấp cho cơ thể một lượng lớn vitamin, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng. Tuy nhiên, theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM thì các loại rau sống thường tiềm ẩn rất nhiều ký sinh trùng gây bệnh như giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó...
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghê sinh học và thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng rau sống là một loại thực phẩm rất dễ bị nhiễm ký sinh trùng.
Theo TS Thịnh, nếu muốn ăn rau sống thì cần đảm bảo vài điều kiện, đầu tiên nguồn nước rửa phải sạch, sau đó rau phải tươi, mới thu hoạch, phải đảm bảo nguồn gốc. Cuối cùng, phải được bảo quản rau đúng quy cách, không nên để dập nát vì rau sẽ hư hỏng rất nhanh, vi sinh vật phát triển nhiều.
Để hạn chế các mầm bệnh từ rau sống, chuyên gia khuyên nên mua rau tại những cửa hàng rau sạch có kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng và phải rửa rau đúng cách.
2. Ngó sen
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng TP.HCM, ngó sen là thực phẩm rất bổ dưỡng với cơ thể. Tuy nhiên loại rau này phát triển trong bùn, dưới đáy nước ao, hồ nên là nơi trú ẩn của ấu trùng sán lá ruột - loại sán lá ký sinh trong ruột người và một số gia súc, nhất là lợn.
3. Rau cải xoong
Cũng theo nghiên cứu từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng TP.HCM, xà lách xoong là loại rau thường có chứa các loại giun như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim... chính vì thế khi mua rau về phải rửa thật sạch, đồng thời phải chế biến chín kỹ rồi mới ăn.
4. Rau muống
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn ký sinh trùng, Trường ĐH Y Hà Nội), một số loại rau phổ biến như rau muống có thể chứa ấu trùng sán lá gan lớn và sán lá ruột lớn. Số ký sinh trùng này không chỉ bám bên ngoài rau mà vào cả trong thân rau. Theo vị TS, người ăn phải rau muống sống, rau nấu chưa chín có chứa ấu trùng loại sán trên sẽ bị bệnh sán lá gan lớn hay bệnh sán lá ruột lớn.
Nên rửa rau như thế nào để đảm bảo an toàn, loại bỏ chất bẩn?
Theo PGS Thịnh, để rửa rau sạch thì việc ngâm rau rất quan trọng. Bởi khi ngâm rau vào nước sẽ làm hàm lượng các hóa chất bên ngoài rau tan ra, vi sinh vật bám trên rau sẽ trôi đi. Như vậy, rửa sạch vừa làm trôi chất bẩn, vừa sạch chất hòa tan.
Cách mà vị chuyên gia hướng dẫn để rửa rau sạch như sau: Đầu tiên rau phải được rửa trong chậu ở trạng thái nước tĩnh để hòa tan các chất bẩn. Sau đó ngâm rau trong nước và rửa tối thiểu 3 nước. Cuối cùng rửa rau trong vòi nước động, lúc này sẽ giảm được các chất bẩn đến mức tối thiểu.
TS Thịnh nhấn mạnh rằng nếu như các bà nội trợ có thể làm tốt quy trình rửa thì sẽ đảm bảo rau được loại bỏ sạch các chất bẩn, hàm lượng chất độc có tính hóa học cũng sẽ còn rất ít trong rau.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)