Axit oxalic - còn được gọi là oxalat - là một hợp chất có tự nhiên trong thực vật. Oxalat thường được hấp thụ qua chế độ ăn của chúng ta, phổ biến nhất là ở rau xanh và các loại đậu.
Đáng nói, oxalat có thể liên kết với canxi trong cơ thể và tạo thành sỏi thận. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 75% bệnh nhân sỏi thận sẽ hình thành sỏi canxi, trong đó phần lớn là canxi oxalat, canxi photphat và sỏi axit uric chỉ chiếm dưới 10% tổng số các loại sỏi. Do đó, từ góc độ phòng ngừa sỏi thận, thực phẩm có chứa axit oxalic nên ăn càng ít càng tốt.
Chế độ ăn nhiều axit oxalic có thể ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?
1. Tăng nguy cơ sỏi thận
Theo WEBMD, ước tính cứ 10 người thì có 1 người bị sỏi thận do chế độ ăn uống kém khoa học. Khi ăn nhiều thực phẩm giàu axit oxalic, nguy cơ tạo sỏi trong thận sẽ gia tăng.
2. Khả năng hấp thụ khoáng chất thấp hơn
Bởi vì oxalat liên kết với các khoáng chất như canxi, chúng có thể ngăn cơ thể bạn hấp thụ các chất dinh dưỡng có lợi trong đường tiêu hóa của bạn. Tuy nhiên, chúng không ngăn chặn hoàn toàn sự hấp thụ mà chỉ hạn chế một phần.
3. Giảm tác dụng của thuốc kháng sinh
Một phần oxalat bạn tiêu thụ có thể bị phân hủy trong ruột. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng thuốc kháng sinh, vi khuẩn tốt trong ruột sẽ bị giảm dẫn đến oxalat có thể tăng trong hệ tiêu hóa và tiết niệu, khiến hiệu quả của kháng sinh suy giảm.
4 loại rau giàu dinh dưỡng nhưng lại chứa hàm lượng axit oxalic cao nhất
1. Mướp đắng
Mướp đắng là món ăn quen thuộc trong mâm cơm của nhiều gia đình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc nên rất được ưa chuộng trong mùa hè. Nhưng thực tế, 100g mướp đắng có chứa 459mg axit oxalic, đây là loại rau có hàm lượng axit oxalic tương đối cao. Những người đang lo lắng về sỏi thận nên hạn chế ăn.
2. Rau muống
Theo tờ QQ, rau muống là một loại rau lá xanh đậm, rất giàu vitamin, kali, clo và các chất dinh dưỡng khác. Tuy nhiên, cứ 100g rau muống chứa khoảng 691mg axit oxalic. Bởi vậy bạn nên chần qua nước sôi trước khi xào.
3. Rau dền
Rau dền là thực phẩm được nhiều người yêu thích, có thể dùng để xào hoặc nấu canh. Vì rất giàu chất dinh dưỡng như sắt, canxi, caroten và vitamin C nhưng cứ 100g rau dền có chứa 1142mg axit oxalic, đối tượng mắc bệnh thận nên hạn chế sử dụng.
4. Rau bina
Cải bó xôi là loại thực phẩm giàu axit oxalic nổi tiếng, 100g rau bina có chứa 1333g axit oxalic, vì vậy không nên ăn nhiều cải bó xôi, nên chần sơ qua trước khi ăn.
Ngoài 4 loại rau quen thuộc trên, những thực phẩm dưới đây cũng được coi là chứa oxalat cao, không nên ăn quá nhiều:
- Sản phẩm từ đậu nành: Đây là nguồn cung cấp protein và các chất dinh dưỡng khác tuyệt vời. Tuy nhiên, chúng cũng chứa nhiều oxalat. Một khẩu phần đậu phụ 85g có chứa 235mg. trong khi 1 cốc sữa đậu nành hoặc sữa chua có thể có tới 336mg mỗi khẩu phần.
- Củ cải đường: Củ cải đường là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời như folate và mangan. Nghiên cứu cho thấy hàm lượng nitric của chúng giúp giảm huyết áp của bạn. Tuy nhiên, 64g củ cải đường có chứa tới 152mg - chúng cũng thuộc một trong những loại rau có chứa hàm lượng oxalat cao nhất.
- Hạnh nhân: Thực phẩm này chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất, nhưng chúng cũng chứa nhiều oxalat. 28g hạnh nhân chứa 122mg oxalat.
- Khoai tây: Một củ khoai tây nướng cỡ vừa chứa 97mg oxalat mỗi khẩu phần. Chủ yếu oxalat nằm ở vùng vỏ của khoai tây. Đồng thời, vỏ khoai tây cũng chứa thêm cả các chất dinh dưỡng như chất xơ, vitamin C và vitamin B.
Có nên kiêng hoàn toàn rau chứa axit oxalic ra khỏi chế độ ăn không?
Hầu hết các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật đều chứa oxalat, tuy nhiên chúng cũng rất giàu vitamin và khoáng chất thiết yếu. Do vậy, bạn không nên loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn của mình. Ngoài ra, nên lựa chọn khẩu phần ăn và lối sống tốt để làm giảm tác động của oxalat. Bằng những cách sau:
- Cân bằng thực phẩm giàu oxalate với các loại trái cây và rau quả khác có thể đảm bảo bạn nhận được đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn uống của mình.
- Uống nhiều nước để giúp cơ thể đào thải oxalat ra ngoài.
- Hạn chế lượng natri và đường vì có thể gây sỏi thận ở mức độ cao
- Nhận đủ lượng vitamin C được khuyến nghị - quá nhiều có thể làm tăng sản xuất axit oxalic trong cơ thể bạn.
- Các loại rau giàu oxalat nên được chần qua trước khi chế biến.
- Một số loại thực phẩm có hàm lượng oxalat thấp, nên tiêu thụ thường xuyên đó là cải xoăn, cải thìa, hạt điều, đậu phộng, hạt bí ngô, hạt hướng dương, khoai lang, đậu thận, quả việt quất...
Cơ thể chúng ta có chức năng đào thải oxalat ra bên ngoài, mỗi người có thể nhận 200-300mg oxalat mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu bạn có nguy cơ bị sỏi thận thì chỉ nên giới hạn oxalat là 100mg/ngày. Tốt nhất nên nói chuyện với bác sĩ về chế độ ăn uống nào là tốt nhất cho sức khỏe của bạn.
Theo Tiểu Vy (Pháp Luật & Bạn Đọc)