Ngày 13/4, thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị này ngày 12/4 đã tiếp nhận 4 trường hợp bệnh nhân là học sinh nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.
Các bệnh nhân đều sinh năm 2008, vào viện trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu toàn thân, bủn rủn chân tay. Các em kể, trước khi vào viện một tiếng đã sử dụng thuốc lá điện tử (chưa rõ loại và nguồn gốc), sau đó có cảm giác choáng váng, khó chịu toàn thân, bủn rủn, run tay chân, tức ngực, khó thở, buồn nôn, nôn nhiều.
Khi vào viện, các em đã được các bác sĩ cấp cứu và xử trí truyền dịch theo phác đồ và tiếp tục được theo dõi, điều trị tại khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Ngân, Khoa Thận lọc máu - Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ trên Phụ nữ & Pháp luật: Thuốc lá điện tử là các sản phẩm cung cấp nicotine điện tử, có cấu tạo bao gồm bộ phận pin, sạc, bộ phận gia nhiệt, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử. Dung dịch này thường chứa nicotine, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật.
Thông thường thành phần chính trong thuốc lá điện tử là nicotine - chất có khả năng gây nghiện cao, làm cho người sử dụng phụ thuộc vào chúng. Việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể dẫn đến hoặc duy trì việc dùng các sản phẩm có chứa nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá, cũng như tăng nguy cơ sử dụng rượu, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Đặc biệt, nicotine có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên và thậm chí gây tổn thương bào thai (dẫn đến cân nặng sơ sinh thấp, tăng nguy cơ đẻ non. Khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… ở người sử dụng.
Theo VOV.vn dẫn lời TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vài năm trở lại đây, hầu như tuần nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận một vài ca ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. Có trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc rất nặng, lăn quay ra tím tái, sùi bọt mép, co giật, suýt tử vong.
Có trường hợp bệnh nhân nhẹ thì đến viện trong tình trạng ngơ ngác, rối loạn tâm thần, hoang tưởng, ảo giác, kích thích, lờ đờ, tổn thương các cơ quan nội tạng. Đối tượng sử dụng thuốc lá điện tử hầu hết là người trẻ và có nhiều trường hợp là học sinh trung học phổ thông.
Mới đây, khoa Chống độc đã tiếp nhận 1 trường hợp thanh niên 23 tuổi bị ngộ độc thuốc lá điện tử. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sùi bọt mép, co giật, hôn mê, loạn thần. Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ tìm thấy 3 loại chất ma túy có trong thuốc lá điện tử, bao gồm ADB-BUTINACA, ADB-4EN-PINACA, ADMB-4EN-PINACA.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, các ca ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử phần lớn có biểu hiện của ngộ độc ma túy. Trong thuốc lá điện tử có rất nhiều loại chất, khi bệnh nhân hít phải sẽ kích thích thần kinh, tim mạch rất mạnh. Đây là những loại ma túy cực mạnh, hoàn toàn mới. Điều này cho thấy, các chất ma túy thế hệ mới thay đổi hàng ngày và hình thức sử dụng được thay đổi dưới nhiều dạng khác nhau, có thể hút trực tiếp, có thể được trộn lẫn vào hóa chất có trong thuốc lá điện tử.
Các hóa chất này thay đổi liên tục theo thời gian, địa lý, theo thị hiếu người tiêu dùng. Trong thuốc lá điện tử có chất nicotin, liều lượng có thể rất thấp hoặc không có, tuy nhiên, nó lại có chất độc, gây co mạch, gây tổn thương cho cơ thể. Đáng nói, bản chất của nicotin là gây nghiện, người chưa sử dụng thuốc lá bao giờ, nếu sử dụng thuốc lá điện tử sẽ gây nghiện nicotin, từ đó dễ chuyển sang nghiện thuốc lá, thuốc lào thông thường.
“Bên cạnh nicotin thì còn rất nhiều chất khác, chất tạo màu, mùi, hương thơm với hàng nghìn loại chất. Các chất thay đổi liên tục, mỗi chất có thể tạo nên các bệnh khác nhau mà chúng ta không thể biết được…Có hóa chất đi vào cơ thể, gây tổn thương đường hô hấp, giảm chức năng đường hô hấp, có thể gây hen phế quản, tắc nghẽn mãn tính, nguy cơ dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, giảm chức năng miễn dịch, gây nguy cơ bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim rồi một loạt các bệnh khác”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyên cho biết thêm, đã có những trường hợp gây tổn thương phổi cấp do vitamin E có trong thuốc lá điện tử, lý do là Vitamin E gây đốt cháy, tạo nên chất độc gây tổn thương phổi, hàng nghìn người đã tử vong vì loại chất này. Ở Việt Nam cũng đã phát hiện có Vitamin E trong thuốc lá điện tử. Chất này kết hợp với nhiều hóa chất khác nữa gây nên một loạt bệnh mới nổi mà không biết, điều này tạo nên gánh nặng với xã hội và cả hệ thống y tế.
Kết luận của các nhà khoa học Mỹ trong công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa New England mới đây cho thấy, những người thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường.
Còn WHO đưa ra khuyến cáo, thuốc lá điện tử nguy hại hơn thuốc lá truyền thống. Nó có thể gây tác động sớm đối với sức khoẻ hoặc gây bệnh phổi kẽ. Nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh và tiên lượng xấu hơn. Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.
Hiện, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó, rất nhiều loại hương liệu được xem là các chất độc và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.
Thực tế, thuốc lá điện tử vẫn chưa được cấp phép kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên chợ mạng, loại thuốc này vẫn được bán tràn lan, người mua có thể thỏa sức lựa chọn các loại thuốc lá điện tử với mẫu mã, giá cả rất đa dạng, từ bình dân đến cao cấp. Chỉ cần khách có nhu cầu là người bán sẽ giao hàng tận nơi.
Theo bác sĩ, các dấu hiệu để nhận biết trẻ dùng thuốc lá điện tử như ho, hụt hơi, khó thở, trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.
Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý khi thấy những vật lạ trong nhà bởi thuốc lá điện tử rất đa dạng về kích thước và hình dáng như dạng ống, USB… Nếu bạn ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, thì đó có thể là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử.
Bác sĩ Ngân khuyến cáo: Người dân, đặc biệt là học sinh không nên sử dụng thuốc lá điện tử để tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập. Trong trường hợp đã lỡ sử dụng thuốc lá điện tử, nếu thấy trở nên lờ đờ, lơ mơ, khó thở, có dấu hiệu ngộ độc hoặc các dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
PN (SHTT)