Có nhiều người tự hỏi, vì sao ung thư lại khó lường đến vậy? Có người còn rất trẻ đã phát hiện ung thư rồi đột ngột qua đời. Nhưng có nhiều cụ già đã 80 - 90 tuổi vẫn sống khỏe mạnh, không hề bị ung thư "tấn công". Câu trả lời chỉ có thể vì thói quen sống của họ rất khác biệt.
Ai cũng có khả năng mắc ung thư. Tuy nhiên do thói quen sinh hoạt, môi trường sống mà thể trạng mỗi người một khác. Các nghiên cứu cho thấy hơn 80% bệnh ung thư đều xuất phát từ yếu tố môi trường và lối sống không lành mạnh, từ đó ảnh hưởng đến miễn dịch của cơ thể. Dù việc chẩn đoán bệnh ung thư từ sớm rất quan trọng, nhưng cách tốt nhất vẫn là điều chỉnh những thói quen sống lành mạnh ngay từ ban đầu.
1. Người chăm chỉ tập thể dục trong thời gian dài không dễ bị ung thư
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học và Khoa học trong Thể thao và Tập luyện hồi tháng 9/2021 cho thấy việc tập thể dục sẽ giải phóng "vũ khí bí mật" để làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và tạo ra "môi trường ức chế ung thư" trong cơ thể.
Một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Ung thư Quốc tế hồi tháng 2/2022 cho thấy những người kiên trì tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải vài lần một tuần trong thời gian dài thì các phân tử chống ung thư trong cơ thể họ sẽ được giải phóng, chẳng hạn như chất miễn dịch interleukin-6. Những phân tử này tác động lên các tế bào bất thường, thúc đẩy quá trình sửa chữa ADN và làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư.
Người càng yêu thích thể thao, càng kiên trì tập luyện và hình thành thói quen tập luyện trong thời gian dài, sẽ khiến hệ miễn dịch được cải thiện, từ đó tránh xa được căn bệnh ung thư.
2. Người biết kiểm soát chế độ ăn uống
Thực phẩm là yếu tố tác động không nhỏ đến sức khỏe. Nhưng hầu hết mọi người lại không thể cưỡng lại sự cám dỗ của đồ ăn ngon.
Việc ăn quá nhiều sẽ khiến bạn bị tăng cân. Trong khi đó, một nghiên cứu của Anh được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu "The Lancet" đã chỉ ra rằng: Chỉ số khối cơ thể có liên quan đến 17 loại ung thư. Theo thống kê, cứ mỗi 1kg/m2 chỉ số khối cơ thể tăng lên thì ở Anh sẽ có thêm 3.790 bệnh nhân ung thư mới mỗi năm.
- Ăn quá nhiều một số thực phẩm sẽ trực tiếp gây béo phì, chẳng hạn như đồ chiên rán, thịt mỡ, nội tạng động vật...
- Một số thực phẩm có thể làm tăng hàm lượng chất gây ung thư do thay đổi cách chế biến, chẳng hạn như thực phẩm ngâm chua, thực phẩm hun khói và thực phẩm nướng.
- Một số thực phẩm đã bị biến chất do bảo quản không đúng cách, chẳng hạn như thực phẩm bị mốc.
- Ngoài ra còn có một số loại thực phẩm cũng bị ô nhiễm do ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như nước thải làm ô nhiễm đất khiến cây lương thực hoặc rau trồng trên đất chứa quá nhiều chất gây ung thư.
Theo các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Harvard (Mỹ), việc tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa và thịt đỏ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết và ung thư tuyến tiền liệt. Những người ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc, có một thói quen ăn uống khoa học sẽ giảm tải được nguy cơ này.
3. Người không hút thuốc ít bị ung thư
Một bài báo đăng trên Tạp chí Ung thư Anh cho thấy nếu một người chưa bao giờ hút thuốc, tỷ lệ mắc ung thư phổi trước 75 tuổi chỉ là 0,3%, nhưng nếu anh ta hút thuốc, xác suất sẽ tăng lên 16%. Nếu mỗi ngày anh ta hút quá 5 điếu thuốc thì tỷ lệ ung thư sẽ tăng lên 25%.
Tác hại lớn nhất của việc hút thuốc là ung thư phổi. Điều này là do thuốc lá giải phóng nhiều chất gây ung thư khi chúng cháy, bao gồm nicotin, hắc ín, benzopyrene...
Trung Quốc hiện có khoảng 350 triệu người và là quốc gia có số người hút thuốc nhiều nhất thế giới. Trong số những người trưởng thành ở quốc gia này, tỷ lệ hút thuốc chiếm khoảng 28%. Ở độ tuổi vị thành niên (13-15 tuổi), khoảng 11% trẻ vị thành niên hút thuốc.
4. Người tránh xa rượu bia ít bị ung thư
Vào năm 2021, một nghiên cứu được công bố trên The Lancet Oncology, đã chỉ ra rằng uống một lượng nhỏ rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Số liệu nghiên cứu cho thấy, năm 2020 ước tính có khoảng 741.300 ca ung thư mới trên toàn cầu có liên quan mật thiết đến việc uống rượu bia. Trong đó nam giới chiếm tỷ lệ lớn hơn, số ca mắc mới cao tới 568.700 ca, chiếm 76,7%.
Ung thư miệng, ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư ruột kết, ung thư trực tràng, ung thư gan và ung thư vú đều liên quan đến uống rượu. Lý do uống rượu có thể gây ung thư chủ yếu là do acetaldehyde, một chất chuyển hóa trung gian của rượu, có thể gây đột biến DNA.
Sau khi đọc hết 4 "đặc điểm" của người không mắc ung thư, mọi người sẽ phần nào có câu trả lời cho chính mình về những thói quen làm thúc đẩy bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng 1/3 bệnh ung thư có thể phòng ngừa được. Do đó ngay từ hôm nay bạn hãy tránh ra bia rượu, thuốc lá, hãy kiểm soát chế độ ăn, tập thể dục nhiều hơn... để phòng tránh ung thư.
NT (SHTT)