Mới đây, bệnh viện liên kết của Đại học Y khoa Chiết Giang, Trung Quốc đã tiếp nhận ca bệnh oái oăm từ chàng trai Lưu Mỗ, 28 tuổi cùng anh trai là Giang Mỗ (tên hai nhân vật đã được thay đổi). Trước khi nhập viện, cả hai có dấu hiệu sốt, đau bụng, ho và tiêu chảy cấp.
Nhận thấy trường hợp của hai thanh niên này khá kỳ lạ, đích thân phó giám Khoa truyền nhiễm của bệnh viện cùng giám đốc đội Chẩn đoán và điều trị bệnh ký sinh của Hiệp hội Y khoa Trung Quốc đã thăm khám. Qua chẩn đoán, các bác sĩ nhận thấy rằng có lẽ cả hai đã nhiễm sán lá phổi nghiêm trọng cùng với viêm tuyến giáp. Vậy nguyên do từ đâu?
Hóa ra cách đây không lâu, 2 anh em họ Mỗ cùng 2 người bạn thân khác đã có một chuyến dã ngoại tại một con suối ở ngoại ô. Đến nơi, cả nhóm quyết định "ôn lại tuổi thơ" bằng cách đi bắt những con cua sống.
Sau khi bắt được 7,8 con cua, một thành viên trong nhóm đề xuất cách ăn luôn cua sống. Cậu còn đưa ra chứng minh rằng dòng suối rất trong và không có dấu hiệu ô nhiễm, thế nên những con cua này rất "sạch" và còn tươi ngon khi ăn sống. Cả nhóm liền bị thuyết phục nên đã chia nhau ra ăn hết sạch chúng, không chừa lại miếng nào.
Sau đó vài ngày, hai người bạn thân kia bắt đầu bị sốt và ho kèm đau dạ dày. Khi đến bệnh viện địa phương thì các bác sĩ tại đó chẩn đoán họ bị viêm dạ dày, tuy nhiên điều trị mãi vẫn không khỏi. Cho đến khi xét nghiệm ký sinh trùng thì mới vỡ lẽ là bị nhiễm sán lá phổi.
2 anh em họ Mỗ ban đầu vẫn khỏe mạnh và không có dấu hiệu nào, thế nên họ nghĩ rằng chắc hai người bạn của mình có sức đề kháng quá yếu nên mới sinh bệnh. Nhưng không lâu sau thì cả hai cũng bắt đầu có những triệu chứng y hệt. Biết đây không đơn thuần là bệnh nhẹ nữa nên họ đành đến bệnh viện khám ngay lập tức.
Sau khi phát hiện có ký sinh trùng, các bác sĩ liền làm một loạt xét nghiệm và cho thấy cả hai đều dương tính với kháng thể paragonimzheim – tên khoa học của sán lá phổi và đều chứa loại sán này trong bụng và phổi. Nghiêm trọng hơn, cậu em Lưu Mỗ được phát hiện là có sán lá phổi trong não.
May mắn thay, do cả hai đến viện kịp thời nên đã lập tức nhập viện điều trị. Sau khi phẫu thuật, họ đã hồi phục hoàn toàn mà không để lại bất kỳ di chứng hậu phẫu nào.
Cẩn thận sán lá phổi khi ăn cua sống, cũng như hải sản sống nói chung
Các bác sĩ cho biết, bệnh sán lá phổi do loài sán có hình bầu dục, to bằng hạt cà phê sống ký sinh trong phổi hoặc màng phổi gây bệnh. Tổn thương do sán lá phổi gây ra là những ổ áp - xe bằng đầu ngón tay và gây ho ra máu hoặc tràn dịch màng phổi.
Thêm vào đó, sán lá phổi là bệnh nhiễm trùng do giun dẹp ký sinh khi bạn ăn phải cua hoặc tôm càng chưa nấu chín. Khi ăn phải, giun trưởng thành và phát triển bên trong cơ thể. Qua nhiều tháng, giun lây lan qua đường ruột và bụng, rồi xâm nhập vào cơ hoành để vào phổi.
Những người bị nhiễm bệnh đa phần đều do ăn đồ hải sản tươi sống, có thể kể đến hai món được ưa chuộng nhất là cua ngâm tương Hàn Quốc và tôm tái chanh.
Những triệu chứng thường gặp khi mắc sán lá phổi
Bệnh sán lá phổi không gây ra bất kỳ triệu chứng khi mới bị nhiễm. Khi các triệu chứng của bệnh sán lá phổi xảy ra, chúng bắt đầu từ vị trí và hoạt động của giun trong cơ thể. Trong tháng đầu tiên hoặc hơn, sau khi bị nhiễm, giun gây bệnh sán lá phổi di chuyển xuống bụng, gây ra các triệu chứng có thể bao gồm:
- Sốt
- Khó chịu trong người
- Tiêu chảy
- Đau bụng
- Ngứa và phát ban.
Khi bị nhiễm sán lá phổi, điều trị như thế nào?
Thông thường, các bệnh nhân phải trải qua nhiều giai đoạn xét nghiệm để chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, bệnh sán lá phổi có thể được chữa khỏi bằng thuốc chống ký sinh trùng.
Trong trường hợp hiếm, khi bệnh sán lá phổi ảnh hưởng đến não thì phương pháp điều trị phải bổ sung thêm thuốc chống động kinh hoặc phẫu thuật để làm giảm phù não.
Theo Minh Võ (Trí Thức Trẻ)