Nhờ sự tiến bộ của ngành y tế và khoa học, con người giờ đây ngày càng được cải thiện và chăm sóc từng chút một, nhờ vậy mà sức khỏe cũng tốt hơn xưa. Tuy nhiên, việc này không đồng nghĩa với việc tránh khỏi những vấn đề bệnh tật khi lớn tuổi. Đặc biệt phụ nữ lại là đối tượng dễ đau ốm nhất do thể trạng yếu hơn so với phái nam.
Chính vì vậy, chị em cần phải tự quan tâm và chăm sóc bản thân mình để giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh. Bước đầu tiên để thực hiện điều này chính là nắm được các loại bệnh mà chúng ta dễ mắc phải nhất, từ đó mới tìm cách phòng ngừa và điều trị triệt để. Chưa kể bệnh ung thư còn khá khó phát hiện sớm vì dấu hiệu khá ít.
Theo Niti Krishna Raidaza – giám đốc kiêm bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Bệnh viện Fortis La Femme (Ấn Độ), sau đây là 3 loại ung thư mà phụ nữ sau 30 tuổi cần lưu ý, chỉ cần thấy một tín hiệu nhỏ thôi cũng nên đi khám ngay:
1. Ung thư vú
Ung thư vú thực sự khá phổ biến ở nữ giới nhưng ít ai để tâm, được các chuyên gia đánh giá là cực kỳ nguy hiểm. Chúng là tập hợp của các khối u ác tính tập trung tại vú, sau đó sinh sôi nhanh ở các mô xung quanh và di căn toàn cơ thể. Theo các khảo sát, tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ khỏe mạnh có thể lên đến 13%.
Loại bệnh này ở giai đoạn đầu thường không đau lẫn không có triệu chứng đáng kể. Tuy nhiên nếu khối u bắt đầu phát triển, bạn sẽ dễ bị sưng và xuất hiện khối cứng ở vú. Quầng vú và núm vú cũng bắt đầu thay đổi màu, tiết dịch và chảy máu nhiều.
Hễ có bất thường nào tại "vòng 1" thì nhất định chị em phải đi khám ngay. Cách đơn giản nhất để tự kiểm tra là đứng trước gương và sờ nắn khu vực này. Bên cạ nh đó, các chuyên gia tại Ấn Độ cũng đưa ra từng mốc tuổi mà bạn cần lưu ý tầm soát sớm:
- 30 – 40 tuổi: Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.
- 41 – 55 tuổi: Chụp Xquang tuyến vú hàng năm cùng với khám sức khỏe như trên.
- Trên 55 tuổi: Chụp Xquang tuyến vú 2 năm/lần.
2. Ung thư cổ tử cung
Đây là loại bệnh ảnh hưởng rất nhiều tới phụ nữ từ 30 – 45 tuổi, có tỷ lệ tử vong rất cao nếu mắc phải. Cũng giống như ung thư vú, ung thư cổ tử cung hầu như không có dấu hiệu gì trong giai đoạn đầu, nó chỉ xuất hiện khi khối u phát triển lớn hoặc ảnh hưởng tới các chức năng của cơ thể.
Các triệu chứng ban đầu có thể kể đến như chảy máu bất thường ở "cô bé", đau ở bụng dưới hoặc vùng chậu, tiết dịch âm đạo, đau rát khi đi tiểu và quan hệ tình dục… Đôi lúc những dấu hiệu này thường bị nhầm lẫn với các vấn đề rối loạn kinh nguyệt, khiến chị em chủ quan bỏ qua và phát hiện bệnh muộn.
Vậy nên, phụ nữ cần phải đi khám phụ khoa thường xuyên để bác sĩ kiểm tra tổng quát từng bộ phận như: Tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, trực tràng và bàng quang. Thêm vào đó, từ 21 – 29 tuổi hãy làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung 3 năm/lần, 30 – 65 tuổi trở lên thì 5 năm/lần.
3. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng xuất hiện khi các tế bào ung thư di căn ở đại tràng hoặc trực tràng. Đây là loại ung thư phổ biến thứ ba trên thế giới, mỗi năm có hơn 1,4 triệu người mắc phải. Vốn dĩ bệnh này hay gặp ở những người trên 50 tuổi, nhưng ngày nay do lối sống phản khoa học mà nó đang dần trẻ hóa.
Mỗi bệnh nhân đều có những triệu chứng khác nhau, nhưng cơ bản chỉ thường xoay quanh các vấn đề về hệ tiêu hóa: Xuất hiện máu trong phân, tụt cân không rõ nguyên do, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, thay đổi thói quen đi tiêu, quặn đau ở bụng dưới…
Theo bác sĩ Niti, phụ nữ nên đi xét nghiệm máu thường xuyên từ sau 30 tuổi, kèm thêm nội soi đại tràng 5 năm/lần để phát hiện bất thường sớm nhất. Bệnh này khá dễ phòng tránh, chỉ cần ăn uống và tập thể dục điều độ để giữ sức khỏe là được. Chị em tuyệt đối không nên cố gắng làm việc hay chăm lo cho việc gia đình quá sức, cần phải lắng nghe cơ thể và bảo vệ bản thân từ bây giờ.
Theo Minh Võ (Trí Thức Trẻ)