Gạo là loại lương thực phổ biển của gần một nửa dân số thế giới, chúng ta cần gạo để nấu thành cơm, thành cháo và nhiều loại bánh. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc Gia (Việt Nam), trong gạo có chứa lượng protit cùng các chất dinh dưỡng quý như đạm, mỡ, canxi và vitamin nhóm B. Các dinh dưỡng này giúp người ăn no lâu và có đủ năng lượng cho những hoạt động nặng.
Tuy nhiên, không phải lúc nào gạo cũng là thực phẩm bổ dưỡng. Trong một số trường hợp, gạo có thể bị nhiễm độc, nếu con người cố tình ăn loại gạo này thì nhiều cơ quan trong cơ thể có thể bị tổn thương, thậm chí hình thành tế bào ung thư.
Dưới đây là 3 loại gạo bạn tuyệt đối không nên ăn.
1. Gạo bị mốc
Nhiều người cho rằng nấm mốc chỉ hình thành trên bề mặt gạo, chúng ta chỉ cần rửa sạch là có thể ăn bình thường.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của WHO, nấm mốc tồn tại trên các loại ngũ cốc như gạo, ngô, bánh mì... rất có thể là nấm Aspergillus flavus. Aspergillus flavus không chỉ tồn tại trên bề mặt mà còn phát triển sâu trong gạo.
Khi bị mốc, gạo sẽ đổi màu từ trắng sang trắng ngà, vàng đục, sau thời gian lâu sẽ bám màu xanh của nấm mốc rất rõ.
Ths. Bs. Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, nấm Aspergillus flavus tạo ra độc tố aflatoxin. Ngoài tác hại gây độc cấp tính, nó còn tích lũy dần dần trong cơ thể và sẽ là nguyên nhân gây bệnh ung thư. Độc tố aflatoxin rất khó bị phân hủy bởi nhiệt độ cao hay hóa chất, không những thế nó còn có thể tích lũy trong cơ thể người và động vật. Bác sĩ cảnh báo một số người có thói quen tiếc rẻ những thực phẩm bị chớm mốc, vẫn dùng làm thức ăn hãy coi chừng.
2. Gạo bị tẩy trắng
Khi gạo bị mốc, chúng ta sẽ hiểu rằng đây là loại gạo bị hỏng, không còn ăn được nữa. Tuy nhiên đối với những loại gạo bên ngoài thì sạch sẽ, bên trong lại hư hỏng thì sao?
Trên thị trường, có biết bao cơ sở bán gạo mốc tẩy trắng hoặc tẩm sáp, bề ngoài nó trông rất hoàn hảo, và khiến người ăn cảm thấy an toàn. Tuy nhiên ít ai biết, trước khi được bày bán nó đã được trải qua một quá trình tẩy trắng để che dấu sự hư hỏng của mình. Thậm chí, nhiều cơ sở còn tẩy trắng gạo mốc, làm tăng nguy cơ nhiễm độc tố aflatoxin.
Hơn nữa, parafin lỏng được sử dụng để làm sáp gạo có thể gây kích ứng lớn cho ruột và dạ dày của con người. Tiêu thụ lâu dài có thể gây khó chịu cho dạ dày và các triệu chứng như viêm dạ dày ruột.
3. Gạo tẩm hương liệu
Để thu được lợi nhuận lớn, nhiều cơ sở kinh doanh đã sử dụng các sản phẩm kém chất lượng và thêm nhiều hóa chất phụ gia vào thực phẩm mà không quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm.
Trong số đó, có thể ví dụ về vấn đề bổ sung hương liệu cho gạo kém chất lượng. Khi đó, người mua không thể phân biệt giữa gạo kém chất lượng với gạo bình thường bởi bề ngoài tin tưởng, hơn nữa mùi thơm phát ra không khác gì những loại gạo chất lượng cao.
Đáng nói, hương liệu để tẩm gạo thường là một chất hóa học tổng hợp, nếu tiêu thụ quá nhiều cũng sẽ gây hại cho gan và thận.
Vậy làm sao để chúng ta có thể sử dụng loại gạo tốt, không nhiễm nấm mốc?
Những loại gạo trên rất nguy hiểm cho cơ thể, có thể gây hại nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy trước khi dùng gạo, mọi người cần nhớ:
- Luôn quan sát chất lượng gạo trong nhà, loại bỏ lập tức nếu gạo có tình trạng nấm mốc, ố vàng.
- Theo các chuyên gia, loại gạo an toàn trước hết phải đáp ứng được tiêu chuẩn "3 không": Không chất bảo quản độc hại, không chất tạo mùi cấm và không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Khi đi mua, cần đảm bảo mùi của gạo càng tươi càng tốt. Được sản xuất càng gần nhà càng tốt. Chỉ nên mua gạo ở những cửa hàng tin cậy, uy tín.
- Nên chọn gạo an toàn dựa trên các bằng chứng như: gạo đóng trong bao bì kín, có đầy đủ thông tin của sản phẩm, địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng và đặc biệt sản phẩm phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.
- Người tiêu dùng có thể sử dụng đa dạng trong chế độ ăn uống, thay vì dùng gạo có thể thay đổi bằng bánh mì, ngô, khoai, lạc... để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với aflatoxin cao. Các thực phẩm dễ nhiễm aflatoxin như ngô, lạc cần được xử lý đúng cách trước và sau khi thu hoạch.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)