Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương, việc ra mồ hôi nách và mồ hôi có mùi là vấn đề không hiếm gặp ở đại đa số chúng ta. Tuy nhiên, một số người có tình trạng này ở mức nặng, ảnh hưởng đến tâm lý, làm cản trở, hạn chế giao tiếp, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống nói chung.
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh hôi nách, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do cơ địa người mắc. Bệnh này thường gặp ở những người béo phì, những người hoạt động thể chất nhiều, những người có cảm xúc quá mẫn cảm. Yếu tố khí hậu, môi trường cũng tạo tác động không nhỏ gây nên bệnh.
Bác sĩ Quang đã chỉ ra một số hiểu lầm thường gặp về bệnh hôi nách cũng như cách ngăn mùi hôi nách mà nhiều người thường mắc phải.
Bệnh hôi nách có thể điều trị dứt điểm?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Quang nhấn mạnh, chưa có một nghiên cứu nào khẳng định bệnh hôi nách có thể xử lý một cách triệt để. Thực tiễn điều trị cũng chứng minh điều tương tự. Bởi vậy, những quảng cáo “điều trị dứt điểm bệnh hôi nách với giá rẻ” là hoàn toàn không đáng tin tưởng.
Hơn nữa, việc sử dụng thuốc uống trôi nổi theo “truyền miệng” để chữa hôi nách rất nguy hiểm, bởi chúng ta không biết các loại thuốc đó có thành phần như thế nào. Nhiều hóa chất khi đi vào cơ thể có thể gây nên tình trạng sốc phản vệ, ngộ độc gan, ngộ độc các cơ quan nội tạng, thậm chí tử vong nếu bệnh diễn tiến nặng.
Những loại thuốc bôi không rõ nguồn gốc cũng nguy hiểm tương tự, dễ gây phản ứng viêm loét, hoại tử vùng da hoặc đau rát, khó chịu cho người bệnh. “Chúng tôi đã từng điều trị cho rất nhiều bệnh nhân với đôi nách bị hoại tử nặng do sử dụng các thuốc trôi nổi”, bác sĩ Quang chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang cho biết, dù hôi nách khó điều trị triệt để, tuy nhiên, bệnh này hoàn toàn có thể cải thiện một cách đáng kể nếu sử dụng đúng phương pháp.
Theo đó, người bệnh cần thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, sử dụng các dược mỹ phẩm như lăn nách, xịt nách để ngăn mùi. Biện pháp này giúp cải thiện mùi trong một thời điểm nhất định.
Để khắc phục tình trạng hôi nách một cách hiệu quả hơn, người bệnh nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn.
Một số phương pháp tiên tiến thường được áp dụng trong triệt mùi hôi nách là tiêm thuốc Botulinum toxin vào vùng nách, sử dụng công nghệ Miradry chiếu các vi sóng triệt phá tuyến mồ hôi hoặc phẫu thuật. Tùy vào từng mức độ bệnh của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Bệnh hôi nách sẽ lây khi dùng chung quần áo, khăn tắm?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang khẳng định, đây là nhận định không đúng. Thực tế, hôi nách là do sự tăng tiết tuyến mồ hôi nách, gồm tuyến bài tiết apocrine và tuyến bài tiết eccrine trong cơ thể người bệnh. Như đã nói, bệnh này có nguyên nhân chủ yếu do cơ địa chứ không phải là bệnh có thể lây.
Về những ý kiến cho rằng hôi nách có yếu tố di truyền, bác sĩ Quang cho biết cần dựa vào y học bằng chứng để đánh giá.
“Hiện nay, trên thế giới chưa có nghiên cứu nào khẳng định có hay không yếu tố di truyền trong bệnh hôi nách. Tuy nhiên, từ thực tiễn lâm sàng, chúng tôi nhận thấy có một số trường hợp các thế hệ trong gia đình cùng mắc bệnh này”, bác sĩ Quang chia sẻ.
Dùng chanh, phèn chua có thể cải thiện bệnh hôi nách?
Bác sĩ Quang cho biết, những phương pháp dân gian như sử dụng chanh, phèn chua đúng là giúp cải thiện mùi hôi nách. Tuy nhiên, chúng được xếp vào mục “chăm sóc” chứ không mang ý nghĩa “điều trị”.
Những biện pháp này chỉ giúp giảm mùi trong một thời gian ngắn nhất định, tương tự với dùng lăn, xịt khử mùi. Muốn cải thiện bệnh một cách hiệu quả, chúng ta chỉ có thể áp dụng các phương pháp điều trị bằng thuốc, công nghệ hay phẫu thuật như đã nêu.
Bác sĩ Quang lưu ý, trẻ em dưới 18 tuổi chỉ nên sử dụng các biện pháp chăm sóc cá nhân chứ chưa nên điều trị can thiệp bởi các cơ quan của trẻ chưa phát triển hoàn toàn, có thể khiến việc điều trị không đạt kết quả như kỳ vọng.
Phụ nữ cũng nên tránh điều trị bệnh hôi nách trong giai đoạn mang thai hoặc cho con bú bởi đó là thời điểm hormone thay đổi, dễ tăng tiết mồ hôi khiến việc điều trị khó hiệu quả.
Theo Nguyễn Liên (VietNamNet)