Người Trung Quốc xưa thường nói: "Ăn tối đúng cách sẽ sống lâu trăm tuổi", ngược lại nếu bữa tối quá sơ sài hoặc quá dư thừa chất sẽ khiến bệnh tật tìm đến. Điều ấy quả không sai bởi bữa tối là bữa ăn cuối cùng trong ngày, trước khi cơ thể bước vào một thời gian nghỉ ngơi dài.
Sau khi ăn no, phần lớn người Việt có thói quen ăn hoa quả tráng miệng, uống trà hoặc đi bộ thể dục cho tiêu cơm. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của chuyên gia đây đều là thói quen cần từ bỏ để bảo vệ sức khỏe dạ dày.
1. Ăn hoa quả ngay sau bữa ăn
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia (Việt Nam), mỗi người nên ăn ít nhất 400g, hoặc 5 phần (5 đơn vị ăn) trái cây và rau củ mỗi ngày. Ngược lại, khẩu phần ăn ít rau xanh, hoa quả được cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số trường hợp tử vong trên thế giới.
Hoa quả được cho là có thể tiêu thụ bất cứ lúc nào, tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng lại đánh giá: Nên tránh ăn sau bữa chính, đặc biệt là bữa cơm tối.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Shilpa Arora chia sẻ trên trang NDTV: Trái cây là "siêu thực phẩm", cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu của tự nhiên. Tuy nhiên, chúng ta không nên ăn khi vừa kết thúc bữa cơm. Lý do là vì các loại trái cây thường chứa nhiều đường và carbohydrate, nếu kết hợp với vi khuẩn trong ruột có thể gây lên men thực phẩm, cản trở hệ tiêu hóa hoạt động bình thường.
Hơn nữa, lúc này dạ dày và ruột đang phải hoạt động để tiêu hóa, nếu bạn vội ăn thêm trái cây sẽ khiến dạ dày phải hoạt động vất vả hơn, từ đó gây đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, việc ăn trái cây sau bữa ăn sẽ khiến các chất dinh dưỡng trong chúng không được hấp thụ đúng cách, gây lãng phí.
Ăn hoa quả đúng cách:
- Chuyên gia khuyên bạn nên để khoảng cách ít nhất 30 phút giữa bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ bằng trái cây.
- Bạn cũng có thể ăn trái cây vào buổi sáng sau khi uống một cốc nước.
- Ăn một vài miếng trái cây ít nhất nửa giờ trước bữa ăn của bạn có thể giúp kiểm soát việc ăn quá nhiều trong bữa trưa.
2. Uống trà đặc ngay sau bữa ăn
Nhâm nhi vài tách trà đặc sau bữa cơm đã trở thành thói quen của người Việt từ bao đời nay. Một chén trà thơm mát, ấm nóng, vị chát nhẹ được cho là có khả năng khử mùi tanh, làm thơm miệng. Tuy nhiên, vừa ăn no xong đã uống trà đặc là một lựa chọn sai lầm bởi lúc này một lượng lớn nước sẽ đi vào dạ dày, làm loãng dịch tiêu hóa do chính dạ dày tiết ra, gây hại cho quá trình tiêu hóa của dạ dày.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia), uống nước chè quá đặc, quá chát sau khi ăn có thể gây cản trở hấp thu sắt. Nếu như bạn pha loãng thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đồng thời, mọi người cũng không nên uống nước trà xanh lúc bụng đói vì chất chát của chè có thể sẽ gây nên triệu chứng cồn cào, nôn nao trong người, chóng mặt, hoa mắt...
Uống trà đúng cách:
- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng nên uống nước chè sau khi ăn từ 1h đến 1h30 phút, không nên dùng nước quá đặc, quá nóng.
3. Đi bộ ngay sau bữa ăn
Đi bộ mỗi tối cũng là một cách tập luyện được rất nhiều chuyên gia khuyên nên thực hiện đều đặn để hỗ trợ tiêu hóa, giảm tích mỡ, kéo dài tuổi thọ và phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, nếu bạn đi bộ khi bụng đang no rất nguy hiểm, nhất là đối với những bệnh nhân bị bệnh dạ dày, bệnh tim mạch vành.
Theo thông tin trên trang web của Viện Y học ứng dụng Việt Nam: Việc đi bộ ngay sau khi ăn có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu như khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn, đầy bụng, đầy hơi… cho một số người. Điều này có thể là do thức ăn di chuyển trong dạ dày trong khi ăn, khiến bạn gặp chút khó khăn khi tiêu hóa thức ăn.
Theo bác sĩ Yang Feiyan (Phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán): Khi cơ thể ăn no, đặc biệt là khi vừa ăn đồ nhiều đạm, nhiều chất béo, máu sẽ tập trung nhiều hơn ở khu vực tiêu hóa và tăng cường tiêu hóa, lúc này nếu vận động sẽ khiến cơ tim bị tổn thương và thậm chí gây nhồi máu cơ tim.
Đi bộ đúng cách:
Bác sĩ khuyến cáo mọi người rằng nên nghỉ ngơi từ 30 phút đến 1 giờ sau khi ăn tối rồi mới nghĩ đến việc đi bộ, những người mắc bệnh tim mạch càng cần cẩn thận.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)