Một khi đã chung sống với người bạn đời, ai cũng hy vọng cuộc hôn nhân sẽ êm đềm, hạnh phúc. Dưới đây là 3 điều tuyệt đối không bao giờ làm, nếu muốn gìn giữ tổ ấm gia đình.
Luôn nhắc tới hai từ “ly hôn”
Ly hôn là một quyết định quan trọng, nghiêm túc, đòi hỏi sự cân nhắc trong thời gian dài và trên nhiều yếu tố. Bởi quyết định này ảnh hưởng rất lớn tới không chỉ cuộc sống riêng của mỗi người, mà còn của các con. Vì vậy, đừng bao giờ lôi hai từ này ra làm trò đùa hay để dọa dẫm người kia.
Nếu vợ chồng bạn đang có thói quen “dọa” chia tay, đưa nhau tòa chỉ vì một xung đột nhỏ, thì hãy dừng lại ngay. Bạn và cả nửa kia đều đã trưởng thành, cần phải có trách nhiệm với những việc mình nói, điều mình làm. Không thể cứ cãi nhau là đòi chia tay. Nếu việc này lặp đi lặp lại nhiều lần, bầu không khí gia đình sẽ rất căng thẳng. Người chồng phải nghe lời nói dai dẳng này của vợ, cũng sẽ lo lắng, hoảng sợ và mệt mỏi.
Luôn kiểm soát, yêu cầu đối phương tuân lệnh trong mọi trường hợp
Trong gia đình, nếu người chồng có tính gia trưởng, luôn cho mình cái quyền bắt người khác phải tuân lệnh mình, tự đưa ra các quyết định mà không hỏi ý kiến người kia, thì cuộc sống hôn nhân khó có thể hạnh phúc lâu dài. Cuộc sống sẽ thật bí bách khi bị kiểm soát từ những chuyện rất nhỏ như mặc gì ra ngoài, đi chơi, gặp gỡ bạn bè đến những quyền lợi chính đáng như đi làm, thăm nom bố mẹ đẻ.
Người vợ ban đầu có thể nghe lời vô điều kiện, nhưng dần dần sẽ có sự phản kháng. Khi đó, hôn nhân tan vỡ là điều khó tránh khỏi.
Việc người chồng kiểm soát vợ xảy ra khá phổ biến, đặc biệt trong nền văn hóa phương Đông. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp người vợ mạnh mẽ, muốn nắm quyền làm chủ gia đình và phủ nhận vai trò của người chồng trong nhà. Người vợ sẽ đòi hỏi người chồng phải báo cáo mọi thứ.
Họ luôn đầy hoài nghi, luôn kiểm tra, theo dõi chồng. Sống với người vợ như vậy, người chồng không có được tự do, lòng tự trọng cũng bị tổn thương, lại không được phát huy hết khả năng, sẽ sớm gặp khủng hoảng.
Chiến tranh lạnh vì những vấn đề nhỏ nhặt
Hôn nhân cũng sẽ đứng trên bờ vực tan vỡ nếu cả hai người luôn coi mình là trung tâm, là người quan trọng nhất và không bao giờ nhượng bộ. Sau cuộc cãi vã, nếu cả hai không tìm được hướng giải quyết mà đi vào chiến tranh lạnh thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng. Bản chất của chiến tranh lạnh là cả hai đều vờ như người kia không còn ý nghĩa quan trọng với cuộc đời mình.
Điều này làm tổn thương cả hai vợ chồng, dù người trong cuộc thậm chí chưa kịp nhận ra. Nếu để tình trạng này kéo dài – khi vợ chồng coi nửa kia là người vô hình thì nhiều khả năng sẽ mỗi người mỗi ngả.
Theo Ngọc Anh (Thời Đại)