Các chuyên gia về tuổi thọ Héctor García và Francesc Miralles đã nghiên cứu về những người sống lâu nhất trên thế giới suốt nhiều năm. Trong quá trình nghiên cứu, họ biết được rằng có khoảng 300 đến 450 người trên thế giới từ 110 tuổi trở lên.
García và Miralles viết: “Họ không phải là siêu anh hùng, nhưng chúng ta có thể coi họ như vậy vì họ đã sống lâu hơn so với tuổi thọ trung bình của loài người trên thế giới này. Một cuộc sống lành mạnh và có mục đích có thể giúp chúng ta giống như những người "siêu thọ" này".
Dưới đây là lời khuyên của 3 người sống trên trăm tuổi được viết trong cuốn sách của García và Miralles nhằm giúp mọi người có thể sống một cuộc đời lâu dài và hạnh phúc.
Tinh thần lạc quan
Bà Jeanne Calment đã sống 122 năm và được ghi nhận là người già nhất thế giới. Bà sinh ra ở miền nam nước Pháp vào năm 1875 và có một cuộc sống giàu có, ít áp lực.
Theo García và Miralles, ở tuổi 100 bà Calment vẫn đạp xe và sống một mình cho đến khi 110 tuổi. Jean-Marie Robine - một chuyên gia nhân khẩu học nghiên cứu về mối liên hệ giữa sức khỏe và tuổi thọ cũng là người biết về bà Calment cho biết bà “hoàn toàn không có gì để làm ngoại trừ việc chăm sóc bản thân, đi thăm thú khắp nước Pháp và tham gia các hoạt động xã hội”.
García và Miralles nói rằng khiếu hài hước của Calment có thể là một trong những bí quyết trường thọ tốt nhất của bà. Trong một cuộc phỏng vấn vào sinh nhật lần thứ 120, bà Calment nói: “Tôi nhìn kém, nghe kém và cũng cảm thấy không khỏe nhưng mọi thứ vẫn ổn đấy thôi".
Giữ cho tâm trí và cơ thể của bạn bận rộn
Walter Breuning sinh ra ở Minnesota vào năm 1896 và sống đến tuổi 114. Breuning đã giành được danh hiệu người đàn ông cao tuổi thứ 2 được ghi nhận ở Mỹ.
Với ông Breuning, bí quyết trường thọ là không nghỉ hưu sớm, ông vẫn làm việc trong 50 năm với tư cách là nhân viên bán hàng cho Đường sắt Great Northern. Breuning đã không nghỉ hưu cho đến khi ông 83 tuổi, và ngay cả khi đó, ông vẫn không ngừng học hỏi và vận động.
“Hãy khiến cho trí óc và cơ thể của bạn bận rộn, bạn sẽ ở lại đây rất lâu”, ông Breuning chia sẻ trong một bài phỏng vấn nhân dịp sinh nhật lần thứ 112 của mình. Các chuyên gia García và Miralles cũng cho biết ở tuổi đó, ông vẫn tập thể dục hàng ngày.
Không ăn thịt, không ngừng làm việc
María Capovilla, sinh năm 1889 tại Ecuador. Vào thời điểm bà qua đời ở tuổi 116, 347 ngày, bà đã được Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là người sống lâu nhất thế giới, thời điểm đó chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là bà sẽ bước sang tuổi 117.
Capovilla có 3 người con, 12 đứa cháu và 20 chắt. Khi được hỏi điều gì giúp bà trường thọ, bà Capovilla cho biết bà không ăn thịt trong suốt cuộc đời và thường xuyên khiêu vũ.
Trong một cuộc phỏng vấn cuối cùng khi bà 107 tuổi, Capovilla nói: “Tôi thích điệu valse và vẫn có thể nhảy điệu valse. Tôi vẫn làm đồ thủ công, tôi vẫn làm một số việc tôi đã làm khi còn đi học".
Một số nghiên cứu khoa học đã tìm hiểu về mối liên hệ giữa việc ăn chay và tuổi thọ. Chẳng hạn một nghiên cứu năm 2013 trên 70.000 người cho thấy những người ăn chay có nguy cơ tử vong thấp hơn 12% so với những người không ăn chay. Không có chất béo bão hòa và cholesterol làm tắc nghẽn động mạch, những người ăn chay có thể có ít nguy cơ mắc các bệnh mãn tính nói chung.
Một nghiên cứu khác của Đại học Loma Linda ở Mỹ đã chỉ ra rằng đàn ông ăn chay sống lâu hơn trung bình 10 năm so với đàn ông không ăn chay - 83 năm so với 73 năm. Đối với phụ nữ, ăn chay kéo dài thêm 6 năm tuổi thọ, giúp họ đạt tuổi thọ trung bình là 85 tuổi.
Tuy nhiên những nghiên cứu này mới chỉ thực hiện ở phạm vi nhỏ hẹp, hơn nữa một số chuyên gia cũng cho biết việc không ăn đủ thịt có thể khiến bạn thiếu protein và sắt, cả hai đều cung cấp năng lượng cho cơ thể và giúp hình thành cơ bắp. Từ đó khiến cơ thể bị thiếu chất, thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Do đó, việc ăn hay không ăn thịt nên tùy theo từng thể trạng, lứa tuổi, giới tính và có sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.
Theo Hoàng Dương (Phụ nữ thủ đô)