Estrogen hay còn gọi là nội tiết tố nữ, là một loại hormone quan trọng trong việc duy trì nhan sắc và vóc dáng của chị em. Nếu cơ thể được cung cấp đầy đủ estrogen sẽ có lợi trong việc chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa lão hóa.
Suy giảm estrogen thường xảy ra khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như áp lực cuộc sống, tác động của môi trường… khiến nhiều phụ nữ mới ngoài 30 đã phải đối mặt với tình trạng này. Khi nội tiết tố nữ không đủ để duy trì hoạt động của các cơ quan, trên cơ thể chị em sẽ xuất hiện 3 chỗ sau đây ngày càng "xấu". Đó là:
1. Mỡ thừa ở vùng bụng
Đối với phụ nữ, nếu cơ thể không tiết ra đủ estrogen sẽ làm mất cân bằng nội tiết tố, từ đó ảnh hưởng đến đến quá trình trao đổi chất và gây tích tụ độc tố. Đồng thời, lượng estrogen thiếu hụt cũng tác động xấu đến quá trình tiêu thụ và chuyển hóa mỡ, và một trong những cơ quan dễ bị tích lũy mỡ thừa nhất là vùng bụng.
Do đó, nếu chị em nhận thấy vùng bụng béo lên bất thường thì đây có thể là dấu hiệu cơ thể sắp “cạn kiệt” estrogen. Lúc này, chị em cần bổ sung các thực phẩm giàu estrogen như đậu nành, các chế phẩm từ đậu nành, đu đủ, quả anh đào, hạt mè…
2. Mỡ thừa ở lưng
Theo tờ Sohu “lưng chính là tấm gương phản chiếu sức khỏe của phụ nữ”. Nếu phần lưng tương đối mỏng, trắng mịn thì chứng tỏ cơ thể khỏe mạnh, lượng estrogen dồi dào.
Ngược lại, khi hàm lượng estrogen suy giảm, chất độc không được thải ra ngoài kịp thời sẽ gây tích lũy mỡ thừa ở phần lưng, khiến vùng lưng trở nên dày hơn, sờ vào thấy cứng. Do đó, khi nhận thấy dấu hiệu này, chị em cần nhanh chóng bổ sung thực phẩm chứa estrogen và tránh xa các thói quen có thể làm suy giảm hàm lượng estrogen trong cơ thể.
3. Vùng mông chảy xệ
Khi ở độ tuổi 20, phụ nữ dễ dàng có một cơ thể săn chắc, tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, khi tuổi tác càng lớn dần, hàm lượng estrogen trong cơ thể càng suy giảm khiến các cơ bị nhão, thường gặp nhất là vùng mông bị chảy xệ, nhăn nheo.
Chính vì vậy, nếu một ngày bạn phát hiện vùng mông trở nên "xấu" đi bất thường thì hãy cân nhắc với nguy cơ thiếu hụt estrogen và có những biện pháp chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Ngoài quá trình lão hóa tự nhiên, 3 thói quen này là nguyên nhân làm suy giảm hàm lượng estrogen
1. Căng thẳng kéo dài
Nhiều phụ nữ phải chịu áp lực cao trong công việc và cuộc sống, điều này dẫn đến ảnh hưởng chức năng của các hormone bình thường, gây thiếu hụt estrogen. Không những vậy, căng thẳng kéo dài cũng tác động đến hoạt động của nhiều cơ quan, gây hại cho sức khỏe. Vậy nên, mọi người cần chú ý học cách điều chỉnh cảm xúc cá nhân để cải thiện khả năng miễn dịch và tăng cường sức khỏe.
2. Thức khuya
Thức khuya đã trở thành thói quen phổ biến đối với hầu hết giới trẻ. Thế nhưng, thức khuya trong thời gian dài sẽ làm suy giảm sức khỏe cá nhân, cản trở quá trình phục hồi và giải độc của nhiều cơ quan khác nhau. Thói quen này cũng làm giảm nồng độ hormone và là “thủ phạm” khiến hàm lượng estrogen bị cạn kiệt. Ngược lại, nếu phụ nữ ngủ đủ giấc và đúng giờ sẽ có hệ miễn dịch khỏe mạnh, nội tiết tố được ổn định và phòng ngừa tình trạng suy buồng trứng sớm.
3. Nhịn ăn để giảm cân
Để có một thân hình hoàn hảo, nhiều chị em sẵn sàng cắt bỏ các dưỡng chất quan trọng ra khỏi thực đơn và duy trì việc ăn kiêng trong thời gian dài. Tuy nhiên, thói quen này không những khiến cơ thể bị suy dinh dưỡng mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh. Nó cũng ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng, khiến cho cơ thể không tiết đủ estrogen và làm suy giảm hệ miễn dịch.
Các nguồn bổ sung estrogen cho cơ thể
- Sữa ong chúa: Nếu cơ thể không đủ estrogen thì bạn nên ăn một lượng vừa đủ sữa ong chúa. Thực phẩm này không chỉ là nguồn cung cấp estrogen tuyệt vời mà còn góp phần duy trì sự cân bằng của nội tiết trong cơ thể, bảo vệ sức khỏe tử cung và buồng trứng, giữ gìn nhan sắc cho phụ nữ.
- Bí đỏ: Trong thành phần bí đỏ chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin E - một loại nguyên tố có thể kích thích tiết estrogen trong cơ thể. Phụ nữ nên ăn nhiều bí đỏ để giúp bảo dưỡng buồng trứng, làm đẹp da, làm chậm quá trình lão hóa và tăng cường khả năng miễn dịch.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)