Có một thực phẩm quen thuộc được coi là “thuốc bổ thượng hạng” trong các tài liệu y thư cổ, đó chính là thịt vịt. Trong sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân từng ca ngợi: “Thịt vịt có công dụng chữa hư lao, bổ ngũ tạng và thủy đạo”.
Thịt vịt giàu giá trị dinh dưỡng, có nhiều công dụng chữa bệnh, điều này đã được giới chuyên gia khẳng định. Tuy nhiên, không giống như phần thịt, một số bộ phận của con vịt không có lợi cho sức khỏe. Nhìn bên ngoài chúng tưởng như “vô hại” nhưng bên trong lại chứa“mầm mống” gây bệnh, nhiều người còn cho là "báu vật" luôn giữ cho riêng mình.
3 bộ phận bẩn nhất của con vịt
1. Da vịt
Nhiều người khi ăn vịt không thể bỏ qua phần da vì chúng có mùi hương béo ngậy, cảm giác mềm khi nhai trong miệng. Nhưng đây là bộ phận giàu cholesterol có hại cho sức khỏe. Dư thừa cholesterol là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim, làm trầm trọng thêm biến chứng của bệnh huyết áp cao.
Hơn nữa, phần da vịt dễ bị nhiễm các ký sinh trùng và vi khuẩn từ môi trường sống bên ngoài. Kể cả khi chúng ta đã cố làm sạch, rửa bằng nước muối hay nấu chín thực phẩm cũng khó loại bỏ hoàn toàn các ký sinh trùng gây bệnh.
2. Phao câu vịt
Có quan niệm: “Nhất phao câu, nhì đầu cánh”, ý muốn nói rằng bộ phận ngon nhất của con gà và con vịt chính là 2 bộ phận này.
Thế nhưng, nếu không bàn về hương vị thì phao câu lại là một trong những bộ phận bẩn nhất của vịt. Phao câu là cơ quan sau cùng của vịt, nghiễm nhiên chúng chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại, cho dù có làm sạch cũng khó loại bỏ hết những vi khuẩn bám trên đó. Ngoài ra, cơ quan này cũng chứa nhiều tuyến bạch huyết, sản sinh các chất độc hại, ăn vào sẽ gây bệnh.
Đặc biệt, nhiều người cho rằng “ăn gì bổ nấy” nên tin rằng ăn phao câu sẽ giúp "vòng ba" nở nang và săn chắc. Nhiều kinh nghiệm dân gian được các bà nội trợ truyền tai nhau cũng cho rằng ăn phao câu có thể làm đẹp da, nhanh mọc tóc. Tuy nhiên, hiện nay không có bất kỳ nghiên cứu nào khẳng định những lợi ích này khi ăn phao câu vịt. Vậy nên, chị em đừng dễ dàng tin theo bất kỳ kinh nghiệm truyền miệng nào về phao câu mà ăn quá nhiều bộ phận gây hại này.
3. Cổ vịt
Các món ăn làm từ cổ vịt rất đặc biệt, những người yêu thích ăn món ăn này sẽ thấy chúng giòn dai, béo ngậy và khi nhai rất vui miệng. Tuy nhiên, bạn có biết rằng cổ vịt là nơi tập trung nhiều chất độc sau khi con vật chết?
Nguyên nhân đầu tiên là do cổ vịt nằm tại các tuyến dây thần kinh và mạch máu, hạch bạch huyết và nhiều hệ thống kết nối giữa đầu và thịt vịt, do đó các chất độc hại của vịt cũng tập trung ở cơ quan này. Hơn nữa, do quá trình mổ vịt, người bán thường lựa chọn cắt tiết ở cổ hoặc gáy vịt, vì thế các chất độc hại sẽ dần tích tụ ở phần có vết mổ.
Rất nhiều người thích ăn 3 bộ phận trên, ngoài việc chúng có chứa nhiều chất bẩn thì hàm lượng purin trong các bộ phận này cũng rất cao, ăn nhiều dễ gây bệnh gút và sau đó là bệnh cao huyết áp, tiểu đường vì vậy bạn phải nên hạn chế tiêu thụ. Người mắc bệnh gút, có hệ tiêu hóa kém, đang bị ho, mới phẫu thuật, đang bị cảm... cũng không nên ăn thịt vịt để bệnh tình không trầm trọng.
Theo Đậu Đậu (Nhịp Sống Việt)