Bác sĩ Hà Uy Hoa, khoa ung bướu, bệnh viện Wuhan Hospital of Traditional Chinese Medicine, mới đây chia sẻ về trường hợp bệnh nhân là một cặp vợ chồng (67 tuổi) sống tại Trung Quốc. Khoảng 2 năm trước, sau khi về hưu, ông bà Trương luôn có thói quen vừa xem phim vừa cắn hạt dưa như một món ăn vặt.
Đầu tháng 9 năm nay, hai ông bà bắt đầu thấy xuất hiện dấu hiệu máu trong phân nên đến bệnh viện khám. Kết quả chẩn đoán khiến hai vợ chồng kinh ngạc khi họ đều mắc bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối.
Bác sĩ Hà Uy Hoa cho biết: "Hỏi thăm tiền sử gia đình bệnh nhân được biết không có người thân từng mắc bệnh ung thư đại tràng. Sau khi loại trừ các yếu tố liên quan, tôi phán đoán nguyên nhân cặp vợ chồng mắc bệnh có liên quan đến thói quen ăn uống".
Hiện nay, trên thị trường bán nhiều mặt hàng là các loại hạt như hạt bí, hạt dưa, hạt hướng dương. Trong quá trình sản xuất, các loại hạt thường được thêm vào hương liệu, muối, đường, trong đó chất safrole có tác dụng tạo hương thơm khá độc, nếu hấp thu ít thì không đáng ngại, nhưng nếu hấp thu trong thời gian dài sẽ tích lũy độc tố trong cơ thể dẫn đến ung thư đại tràng hoặc ung thư gan. Thêm vào đó, tiêu thụ các loại hạt bị hỏng, ẩm mốc cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Bác sĩ Hà Uy Hoa thông tin thêm, nếu loại trừ các yếu tố gây nguy hại sức khỏe thì việc hấp thu chất dinh dưỡng từ các loại hạt là điều cần thiết. Trong các loại hạt chứa axit béo không bão hòa rất có lợi cho sức khỏe, không những đảm bảo trí não phát triển khỏe mạnh, nó có thể làm giảm cholesterol trong máu, có vai trò bảo vệ mạch máu và ngăn ngừa các bệnh tim mạch, mạch máu não.
Ngoài ra, các loại hạt chứa vitamin B1, E, và các chất dinh dưỡng khác, nếu người dân tiêu thụ các loại hạt đảm bảo an toàn, có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, không thêm hóa chất hay hương liệu thì bạn có thể yên tâm sử dụng như là món ăn vặt.
Bác sĩ khuyến cáo, ung thư đại tràng có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống. Chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đạm, ít chất xơ là yếu tố hàng đầu dễ dẫn đến ung thư đại tràng.
Dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư đại tràng
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Một số dấu hiệu thường gặp như hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Đau quặn bụng, đau râm ran là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn. Song một vài trường hợp, nó báo hiệu sự tồn tại của các khối u ở dạ dày - ruột.
- Chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon: Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân.
- Rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày rất giống với triệu chứng bệnh lị: Tuy nhiên, người mắc bệnh lị có thể điều trị bằng cách dùng kháng sinh, còn loại thuốc này không có tác dụng với bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
- Giảm cân bất thường: Không phải do tập luyện hay ăn kiêng giảm cân mà cơ thể đột ngột sút cân thì bạn cũng không nên coi thường. Rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.
- Các rối loạn liên quan bài tiết phân: Đại tràng là cơ quan bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa, nên ở giai đoạn sớm, người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài.
- Xuất hiện máu trong phân: Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân. Một số trường hợp, ở giai đoạn cuối bệnh nhân còn thấy hậu môn trực tràng sa xuống, toàn thân gầy đi, số lần đại tiện tăng lên, khi táo bón, khi tiêu chảy.
- Mệt mỏi và suy nhược: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất. Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.
Ngoài các triệu chứng nêu trên, khi ung thư muộn thì có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần…
Theo Tú Uyên (Pháp Luật & Bạn Đọc)