Cuối tháng 3/2019, nữ bệnh nhân N.T.K.T (57 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) nhập viện tại một bệnh viện Quốc tế trong tình trạng liệt vận động nửa người bên phải, sụp mi mắt trái, liệt thần kinh sọ thấp.
Nữ bệnh nhân thậm chí bị mất ngôn ngữ, giảm nhận thức, tiêu tiểu không tự chủ. Do nuốt khó, ăn uống rất kém từ nhiều tháng qua nên thể trạng bà T. suy kiệt nhiều.
Trước đó 3 năm bệnh nhân đã có chẩn đoán u nguyên bào mạch máu cuống tiểu não trái, được can thiệp nút mạch máu vào tháng 7/2016 tại một bệnh viện ở TPHCM.
Bệnh nhân cũng đã được đặt thiết bị thoát dịch và giảm áp lực não, do u to chèn ép các não thất.
Trải qua thời gian dài đi khắp các khoa Ngoại thần kinh của các bệnh viện lớn, bệnh nhân chỉ được điều trị triệu chứng giảm đau, chống phù não vì u quá to lại nằm ở vị trí khó can thiệp, tỷ lệ xảy ra biến chứng rất cao nếu phẫu thuật lấy u.
ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân, Phó giám đốc Bệnh viện chia sẻ, gia đình đến bệnh viện với tâm thế còn nước còn tát, hy vọng kéo dài cơ hội sống cho bệnh nhân, cải thiện phần nào chất lượng cuộc sống chứ không quá nhiều kỳ vọng.
Đứng trước một ca bệnh phức tạp, đầy thách thức, sau khi tổng hợp các dữ kiện và thực hiện đủ các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân được hội chẩn liên chuyên khoa. Các khoa Can thiệp mạch máu não, Nội - Ngoại thần kinh, Hồi sức tích cực, Nội tiết và Tim mạch đã cùng tìm ra giải pháp tích cực nhất cho bệnh nhân.
Để hạn chế lượng máu mất trong phẫu thuật, các bác sĩ sẽ chụp mạch máu não gây tắc mạch máu nuôi trước khi tiến hành phẫu thuật lấy u não.
Lên kế hoạch xong, ekip điều trị tiến hành thủ thuật chụp và can thiệp mạch gây tắc các nhánh nuôi u từ động mạch não, tìm nguyên nhân gây xuất huyết não trước đây.
Trong quá trình can thiệp mạch cho bệnh nhân, các bác sĩ không ít lần lắc đầu.
"Ca này cực kỳ khó, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng khiến bệnh nhân bị tổn thương đến não. Khối u não nằm ở vị trí vô cùng nguy hiểm gây chèn ép trung tâm điều khiển phổi, hơi thở, huyết áp và mạch máu. Các cấu trúc này chèn ép toàn bộ thân não khiến bệnh nhân dễ tử vong. Chưa kể khối u lớn che khuất, chèn ép các mạch máu nằm quá sâu. Chúng tôi sẽ làm tất cả để mang lại sự sống cho bệnh nhân" - bác sĩ điều trị tâm sự.
Với sự hỗ trợ của thiết bị định vị hướng dẫn hình ảnh (Navigation) giúp nhận biết đầu và đường đi của dụng cụ phẫu thuật trên tất cả các mặt cắt, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy khối u khổng lồ hố sau.
Bệnh nhân được mở da và mở nắp sọ dưới chẩm, mở màng cứng hình chữ Y, mở đường giữa qua thùy nhộng, bóc tách lấy gần trọn khối u.
Sau gần 15 giờ thực hiện phẫu thuật lấy khối u cho bệnh nhân, ekip thở phào nhẹ nhõm vì ca phẫu thuật thành công. Bệnh nhân được cứu ngoạn mục.
Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đang được các bác sĩ tiếp tục điều trị và chăm sóc.
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)