Theo BSCKI Phạm Văn Cường, Khoa Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) chia sẻ trên Trí Thức Trẻ, trước đây đột quỵ thường được cho là bệnh lý ở người già. Tuy nhiên, quan niệm đó không còn chính xác vì số lượng bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ ngày càng gia tăng.
Với những phương tiện kỹ thuật hiện đại có nhiều tiến bộ, việc chẩn đoán đột quỵ ở người trẻ ngày càng chính xác hơn. Ví như, trước đây một số người trẻ đột ngột tử vong dù trước đó khoẻ mạnh mọi người sẽ nghĩ ngay tới trúng gió, cảm… Tuy nhiên, với sự phát triển kỹ thuật của y học, chúng ta đã biết được rất nhiều cái chết đột ngột của người trẻ là do đột quỵ.
Bác sĩ Cường cho biết: "Số lượng bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ tới cấp cứu tại khoa chiếm khoảng 20-25% trên tổng số bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện. Đa phần, các bệnh nhân đột quỵ này đều còn trẻ dưới 50 tuổi đã phải chịu những hệ quả nặng nề của căn bệnh đột quỵ, thậm chí đã có trường hợp tử vong.
Hiện nay, khoa đang điều trị cho 50 bệnh nhân đột quỵ. Trong đó, có khoảng 10-15 trường hợp đột quỵ dưới 50 tuổi".
Điển hình đó là trường hợp của bệnh nhân 23 tuổi bị đột quỵ chảy máu não đang điều trị tại khoa. Bệnh nhân được người nhà đưa vào viện trong tình trạng có liệt và được chẩn đoán đột quỵ thể chảy máu não.
Sau khi chụp chiếu, xét nghiệm tìm nguyên nhân, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có dị dạng mạch máu não. Đây chính là nguyên nhân gây ra đột quỵ.
Bác sĩ Cường cho hay trường hợp trẻ tuổi nhất bác sĩ tiếp nhận can thiệp và điều trị đột quỵ là 12 tuổi. Bệnh nhân này cũng bị đột quỵ xuất huyết não do có dị dạng mạch máu não.
Còn đối với ca bệnh đột quỵ thể nhồi máu não do nguyên nhân xơ vữa, trước đây thường gặp ở người già, người có bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp... Nhưng ở khoa đã tiếp nhận bệnh nhân 31 tuổi đã nhồi máu não. Các bác sĩ đang tìm nguyên nhân nhồi máu não của ca bệnh này và nghĩ tới rối loạn nhịp tim.
Nguyên nhân gây đột quỵ sớm ở người trẻ
Bác sĩ Cường cho biết không hiếm những trường hợp người trẻ ngày hôm qua vẫn đi làm bình thường, hôm sau tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong viện và biết mình vừa từ "cõi chết trở về" do đột quỵ. Rất nhiều bệnh nhân trẻ đã hỏi bác sĩ: "Vì sao gặp đột quỵ sớm tới như vậy?".
Lý giải cho những thắc mắc của hầu hết bệnh nhân, bác sĩ Cường phân tích đột quỵ ở người trẻ có 4 nhóm nguyên nhân:
Nhóm nguyên nhân thứ nhất: Người có những dị dạng mạch máu não nhưng không có bất cứ triệu chứng nào nên không biết để kiểm soát nguy cơ. Bệnh nhân bị đột quỵ do phình vỡ mạch máu gây xuất huyết. Đối với nhóm nguyên nhân này thường bị đột quỵ khi còn rất trẻ tuổi.
Nhóm nguyên nhân thứ hai: Bác sĩ cho hay một số bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, rung nhĩ cơn, bệnh lý van tim… sẽ tạo ra những huyết khối trong tim và theo máu đưa tới não, gây xuất huyết não (đột quỵ não).
Nhóm nguyên nhân thứ ba do chế độ ăn uống và lối sống: Theo bác sĩ Cường, nhóm nguyên nhân đột quỵ do thói quen xấu đang gia tăng ở người trẻ và cần đặc biệt phải báo động. Một số thói quen xấu có thể kể đến là hút thuốc lá, chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, ít vận động, lạm dụng rượu bia…
"Những thói quen xấu này khiến cho người trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá mỡ máu, béo phì… và khiến họ 'đến' gần hơn với đột quỵ", bác sĩ Cường nói.
Nhóm nguyên nhân thứ tư, đột quỵ có thể gặp một số bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch xoang. Những bệnh nhân này thường có rối loạn chức năng đông - cầm máu do liên quan đến các bệnh lý ác tính, viêm nhiễm mạn tính, phụ nữ mang thai, sau nạo phá thai hay sử dụng các thuốc tránh thai kéo dài…
"Trên thực tế tại khoa Đột quỵ của chúng tôi đã tiếp nhận trường hợp sản phụ mang thai 3 tháng đã bị đột quỵ. Rất may mắn bệnh nhân tới viện sớm nên đã được can thiệp và hồi phục rất tốt", bác sĩ Cường nói.
Dấu hiệu báo hiệu đột quỵ
- Đột nhiên thấy thấy tê bì, yếu hoặc liệt nửa người (một bên mặt, tay hoặc chân).
- Đột nhiên nói khó, nói ngọng, nói líu lưỡi.
- Đột ngột thấy hoa mắt chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp động tác.
- Đột nhiên thấy mờ thị lực một hoặc cả hai mắt.
- Đột ngột thấy đau đầu dữ dội mà không tìm được nguyên nhân.
Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ
Thời gian vàng là khoảng thời gian tốt nhất để cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ, có tỷ lệ phục hồi cao và biến chứng thấp nhất.
Theo đó, là từ 4 - 5 giờ đối với nhồi máu não dùng thuốc tan máu đông. Trong vòng 6 giờ đối với nhồi máu não can thiệp lấy huyết khối.
Nếu bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan.
Bệnh nhân đột quỵ cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị nhanh nhất, tránh lỡ thời gian vàng khiến tổn thương não nặng, hiệu quả can thiệp kém dẫn đến tai biến sau can thiệp cao.
Tuân thủ “4 ít” để sống khỏe
Ở người trẻ, khi đột quỵ đã xảy ra thì cho dù bệnh nhân có qua khỏi cũng để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến cuộc sống (còn rất dài) sau đó. Không những bản thân người bệnh bị ảnh hưởng mà cả gia đình và xã hội cũng bị thiệt thòi do lứa tuổi dưới 45 là lứa tuổi đang ở độ chín cả về thể chất lẫn tinh thần, là lực lượng lao động chủ yếu của xã hội. Vì vậy, việc dự phòng đột quỵ ở độ tuổi này là hết sức cần thiết.
Các biện pháp bao gồm điều trị tốt các bệnh lý nguyên nhân như bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp; phát hiện sớm các dị dạng mạch não; kiểm soát tốt đường huyết, mỡ máu; loại bỏ các yếu tố nguy cơ như béo phì, bỏ thuốc lá, tránh lạm dụng rượu và các chất ma túy, duy trì một lối sống vui vẻ, lành mạnh, tránh áp lực quá cao trong công việc. Những người trẻ tuổi cũng nên tuân thủ một chế độ ăn khoa học: “bốn ít”: ít đường, ít mỡ, ít thịt, ít muối và tăng cường ăn rau tươi, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt).
PN (Nguoiduatin.vn)