10 phút can thiệp cứu sống bệnh nhân đột quỵ nặng sau khi đi vệ sinh: Tuyệt đối lưu ý các triệu chứng này

01/03/2021 14:08:20

Sau khi đi vệ sinh bình thường, bệnh nhân quay trở lại giường ngủ thì bệnh nhân đột ngột yếu nửa người bên phải, lơ mơ nguy kịch.

Ngày 1/3, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT) cho biết, các bác sĩ BV vừa can thiệp thành công cứu một bệnh nhân đột quỵ nặng với thời gian tái thông hoàn toàn động mạch bị tắc trong 10 phút.

Bệnh nhân là ông L.V.S. (84 tuổi, ngụ Bạc Liêu) vào khoa Cấp cứu BVĐKTWCT sáng 24/2.

10 phút can thiệp cứu sống bệnh nhân đột quỵ nặng sau khi đi vệ sinh: Tuyệt đối lưu ý các triệu chứng này
Ông L.V.S. (84 tuổi, ngụ Bạc Liêu).

Qua khai thác bệnh sử, trước đó vào 0h cùng ngày bệnh nhân đang ngủ thức dậy đi vệ sinh bình thường.

Tuy nhiên, khi quay trở lại giường ngủ thì bệnh nhân đột ngột yếu nửa người bên phải, lơ mơ. Gia đình có mời nhân viên y tế địa phương đến sơ cứu và sau đó chuyển thẳng lên BV.

Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá trên 20 năm, tăng huyết áp. Thời gian từ lúc khởi phát bệnh đến lúc nhập viện là 5h30 phút.

10 phút can thiệp cứu sống bệnh nhân đột quỵ nặng sau khi đi vệ sinh: Tuyệt đối lưu ý các triệu chứng này - 1
Bệnh nhân bị tắc mạch máu não nặng.

Ekip tại Khoa cấp cứu đã nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân đồng thời kích hoạt ngay hệ thống cấp cứu đột quỵ.

Kết quả chụp CT-scan não phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền từ vị trí hợp lưu đến đỉnh thân nền, nguy cơ tử vong rất cao nếu không can thiệp tái thông mạch máu. Đồng thời nếu can thiệp muộn thì di chứng rất nặng nề, bệnh có thể sống đời sống thực vật hoặc liệt tứ chi.

Ekip can thiệp nội mạch do TS.BS Hà Tấn Đức, Trưởng khoa đột quỵ và BS Trần Công Khánh, Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện can thiệp. Trong 10 phút, ekip đã tái thông hoàn toàn động mạch bị tắc, hút ra được rất nhiều huyết khối.

Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, đã hồi phục gần như hoàn toàn và đang tiếp tục điều trị tại khoa Đột quỵ.

10 phút can thiệp cứu sống bệnh nhân đột quỵ nặng sau khi đi vệ sinh: Tuyệt đối lưu ý các triệu chứng này - 2
Bệnh nhân được cứu sống sau 10 phút can thiệp.

Theo TS.BS. Hà Tấn Đức, tỉ lệ mắc đột quỵ não gia tăng theo tuổi, nhất là với những người già trên 80 tuổi. Người cao tuổi thường mắc nhiều loại bệnh lý khác nhau, trong đó chứng đột quỵ xảy ra khá phổ biến gây hậu quả nặng.

Đột quỵ thiếu máu não cục bộ chiếm khoảng 80-85%, trong đó tỉ lệ người trên 80 tuổi chiếm trên 1/3 tổng số người bệnh đột quỵ được nhận vào viện và thường nặng nề hơn, hậu quả tồi tệ hơn những người dưới 80 tuổi.

Tiên lượng hồi phục của đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào thời gian tái thông mạch máu bị tắc và vị trí bị tắc mạch.

Điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng.

0-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề. Càng cấp cứu sớm, tỉ lệ hồi phục càng cao.

Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thường không có dấu hiệu báo trước.

Các triệu chứng gợi ý đột quỵ bao gồm đột ngột xuất hiện: méo miệng, liệt hoặc yếu một bên người, nói khó hoặc không nói được.

Do vậy, TS.BS Đức khuyến cáo khi có các triệu chứng trên cần nhanh chóng đưa người bệnh đến BV có đơn vị can thiệp đột quỵ để cấp cứu.

Theo Hoàng Lê (Pháp Luật & Bạn Đọc)

Nổi bật