Chị Phạm Thị Quỳnh trú tại Phúc Thọ, Hà Nội vừa trải qua ca cấp cứu do chửa trên vết mổ đẻ.
Chị Quỳnh kể chị bị trễ kinh nguyệt 1 tuần mua que thử về phát hiện lên hai vạch. Tuy nhiên, chị Quỳnh muốn để thai được 8 tuần mới đi khám.
Chị đi siêu âm bác sĩ nói bình thường nhưng đến tuần thứ 11 chị bị ra máu bất thường, đau bụng âm ỉ đến bệnh viện kiểm tra lại bác sĩ cho biết chị chửa trên vết mổ cũ lấy thai lần trước, nhau đã đan xen cài răng lược, bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu và phải cắt tử cung vì không gỡ được bánh nhau.
Nguy cơ chửa trên vết sẹo cũ. |
Trường hợp của chị Quỳnh thật đáng tiếc nhưng trường hợp này cũng không phải là hiếm. Đây là một dạng có thai ngoài tử cung.
Bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Hữu Trung – giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết thai bám ở sẹo mổ lấy thai cũ là một dạng thai ngoài tử cung do thai làm tổ trong vết sẹo mổ lấy thai trước đó.
Đây là dạng bệnh lý hiếm gặp của thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, hiện nay với số ca mổ lấy thai ngày càng có khuynh hướng gia tăng nên tỉ lệ thai bám ở vết mổ cũ cũng có thể tăng lên.
Khi có chửa trên vết sẹo cũ, các gai nhau trong bánh nhau sẽ ăn sâu vào cơ tử cung rồi xuyên vào bàng quang, dẫn đến phải cắt tử cung và tăng tử suất của mẹ và thai nhi, hay khi thai cấy vào trong sẹo mổ cũ thì biến chứng vỡ tử cung trong lúc mang thai, gây chảy máu ồ ạt và nguy cơ đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi.
Việc điều trị tùy thuộc vào tuổi thai, kích thước túi thai, nguyện vọng còn sinh sản của bà mẹ và tình trạng huyết động học. Với mục tiêu lấy khối thai trước khi vỡ và bảo tồn khả năng sinh sản cho bà mẹ.
Nguy cơ vỡ tử cung khi mang thai lại
Theo bác sỹ chuyên khoa I Trịnh Thị Thanh Hương, Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Tuyên Quang, tai biến sản khoa là một trong những nguy cơ lớn nhất có thể gây tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh.
Có 5 tai biến thường gặp trong sản khoa mà Bộ Y tế cảnh báo, đó là tai biến chảy máu (băng huyết), nhiễm trùng, sản giật, vỡ tử cung và uốn ván sơ sinh. Đứng hàng đầu trong các tai biến sản khoa là chảy máu, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho sản phụ.
Với tai biến vỡ tử cung, có thể phòng ngừa nếu thai phụ được khám định kỳ đầy đủ để phát hiện trường hợp thai nghén có nguy cơ cao như: Có sẹo mổ cũ ở tử cung, bụng chửa quá to, thai phụ đã đẻ nhiều lần thì phải chọn nơi đẻ an toàn nhất cho họ là nơi có khả năng phẫu thuật.
Với tai biến sản giật, nếu được khám thai phát hiện tình trạng tăng huyết áp, phù nề, nước tiểu có prô-tê-in ngay từ ban đầu, thai phụ sẽ được theo dõi, điều trị và có thể ngăn chặn được cơn sản giật xảy ra...
Thông thường, khi đã tử cung đã vỡ, thai nhi sẽ chết và nếu không được sử trí kịp thời thai phụ có khi cũng bị tử vong. Trước khi vỡ tử cung có một giai đoạn doạ vỡ tử cung, cần phải phát hiện sớm nguy cơ vỡ tử cung để can thiệp kịp thời.
Vỡ tử cung thường xảy ra trong chuyển dạ, nhưng cũng có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai.
Theo Hội sản Phụ khoa Việt Nam, năm 2000, vỡ tử cung chiếm 2,08% tổng số 5 tai biến sản khoa, nhưng năm 2001 đã tăng lên 2,45%. Như vậy, vỡ tử cung đang là một vấn đề cần phải quan tâm nhiều hơn nữa để hạ thấp tỷ lệ tai biến này.
Vỡ tử cung hoàn toàn là tử cung bị vỡ, tử cung bị xé rách từ niêm mạc qua lớp cơ và cả phúc mạc làm buồng tử cung thông với ổ bụng.
Với những người đã từng mổ lấy thai, khi mang bầu lại tự nhiên đau nhói rồi tử cung bị vỡ luôn, sản phụ có dấu hiệu choáng, ra huyết đỏ âm đạo và choáng cần đến các cơ sở y tế ngay để được cấp cứu.
Theo Thảo Nguyên (Soha.vn/Trí thức trẻ)