Chị T. sinh non, trẻ thiếu ký, bị xuất huyết dưới da và suy hô hấp. “Tôi lên mạng thấy có trang web đăng rất nhiều bài viết khuyến khích nên vắt sữa non trước sinh để dự trữ. Tôi bắt chước làm theo, chỉ mới vắt được một ống xi lanh, ai ngờ…”, chị T. nghẹn ngào nói.
TS-BS Lê Thị Thu Hà - Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, đã có không ít trường hợp tương tự chị T., làm theo thông tin trên mạng, vắt sữa non dự trữ trước khi sinh.
Nếu thai chưa đến ngày, chưa chuyển dạ, động tác vắt sữa non vô tình kích thích chuyển dạ và gây sinh non |
Tuy sữa non rất tốt nhưng theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, bầu vú thai phụ tăng dần về kích thước lẫn số lượng tuyến vú. Kể từ tuần 16 của thai kỳ, một số thai phụ đã bắt đầu có hiện tượng tiết sữa non, dù lượng sữa non này rất ít và không liên tục. Vào thời điểm chuyển dạ và ngay sau sinh, có sự gia tăng đột ngột hoạt động phân bào trong mô tuyến vú, làm phát triển và phân hóa nhanh chóng các tiểu thùy vú kèm theo sự tăng tiết sữa đáng kể. Lúc này sữa non bắt đầu tăng nhiều hơn, được tiết ra ngay sau khi sinh và tiếp tục trong khoảng 72 giờ đầu. Bên cạnh đó, động tác nút vú của bé sẽ kích thích tạo sữa nhanh chóng. Bé hoàn toàn có thể bú được sữa non sau khi sinh. Việc vắt sữa non trước sinh để dành đến sau sinh cho bé bú là không cần thiết, mặt khác, mang lại nhiều nguy hại.
Nguy cơ sinh non
Liên quan đến việc vắt sữa non trước sinh, chúng tôi đã tìm một số thông tin trên mạng. Theo các trang này, nếu thai phụ bị tiểu đường thai kỳ, chỉ định sinh mổ, có bất thường ở bầu vú, bé bị hở hàm ếch, thì nên vắt sữa non trước sinh để dự trữ trong tủ đông. Các trang này khuyến khích vắt sữa non là vì trong 72 giờ đầu, niêm mạc ruột của bé cần được bảo vệ và hoàn thiện. Nếu không được bú sữa non, bé không có kháng thể và sẽ có nguy cơ bị… “hở ruột”. Các trang này cũng đề cập việc massage và vắt sữa non có thể gây co thắt tử cung nhẹ, nhưng những cơn chuyển dạ giả không đủ mạnh để gây sinh non.
TS-BS Lê Thị Thu Hà cảnh báo: trong những trường hợp thai quá ngày dự sinh, khi có chỉ định sinh ngả âm đạo, nếu cơn gò tử cung kém hoặc thưa, các BS sẽ có những biện pháp nhằm khởi phát chuyển dạ. Một trong các cách giúp khởi phát chuyển dạ là kích thích đầu vú. Cơ chế của phương pháp này là sẽ tạo các xung động đến vỏ não, kích thích tuyến yên tiết ra oxytocin gây hiệu quả co cơ tử cung. Vắt sữa non cũng là một động tác cơ học kích thích đầu vú nên sẽ gây tăng tiết oxytocin nội sinh. Nếu thai chưa đến ngày, chưa chuyển dạ, động tác vắt sữa non vô tình kích thích chuyển dạ và có nguy cơ gây sinh non. Đặc biệt những trường hợp có nhau tiền đạo, nếu có cơn gò tử cung sẽ dễ gây ra huyết âm đạo ồ ạt; những thai phụ đang điều trị dọa sinh non, khâu eo tử cung, nhau tiền đạo, có vết mổ cũ, đa thai… nguy cơ sinh non càng cao.
Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị tiểu đường có thể có nguy cơ bị hạ đường huyết lúc mới sinh. Việc bổ sung sữa công thức, đặc biệt vào giai đoạn sớm, có thể có tác động xấu đến việc cho bé bú sữa mẹ. Dù vậy, cũng không cần thiết phải vắt sữa non dự trữ và cho uống ngay sau khi trẻ mới sinh. BS Nguyễn Ngọc Thông cho biết, không riêng gì bệnh tiểu đường, có nhiều loại bệnh mạn tính như suy tim nặng, suy nhược, thiếu máu nặng, nhiễm HIV… khiến người mẹ thiếu sữa, mất sữa hoặc có sữa nhưng BS khuyên không cho bé bú. Lúc này trẻ phải uống sữa công thức và vẫn phát triển bình thường. Mặc dù sữa công thức không tốt bằng sữa mẹ, nhưng không thể nói sữa công thức ảnh hưởng không tốt đến trẻ. Chưa kể, nếu mắc bệnh tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ mà được kiểm soát đường huyết tốt thì thai phụ vẫn sinh con bình thường và cho bé bú trực tiếp từ bầu vú.
Riêng các trường hợp sản phụ sinh con quá non tháng, bé không thể tự bú mà phải chăm sóc trong lồng ấp và phải bơm sữa nuôi ăn; mẹ bị lao phổi tiến triển, viêm hô hấp trên, mẹ bị sang thương vú do herpers, mẹ bị nhiễm cúm H1N1; trẻ bị dị tật sứt môi chẻ vòm, dị tật tim mạch hoặc thần kinh… nếu thai phụ muốn trẻ được uống sữa non thì có thể vắt sữa để dành cho bé bú. Tuy nhiên trước khi vắt, thai phụ phải được nhân viên y tế thăm khám và cân nhắc thật kỹ, huấn luyện phương pháp vắt sữa, thời gian vắt thích hợp để tránh xảy ra tình trạng gò tử cung, cách bảo quản sữa khi vắt… Tuyệt đối, không được tự ý vắt tại nhà.
Trước thông tin trẻ có thể bị “hở ruột” vì uống sữa công thức, các bác sĩ cho biết, “hở ruột” có lẽ là cách nói về tình trạng thiếu vi nhung mao trong niêm mạc ruột ở trẻ sơ sinh. Nếu vi nhung mao chưa hoàn thiện, có thể không tốt cho hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ sơ sinh. Nhưng nếu sau đó trẻ được bú sữa mẹ thì vi nhung mao vẫn phát triển bình thường.
“Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào xác định sữa non trước sinh tốt hơn sữa non sau khi sinh. Chẳng may vắt sữa non dẫn đến sinh non, lúc này dù bé có được bú sữa non nhưng phải đối diện với nhiều biến chứng sau sinh non như rối loạn hô hấp, dễ bị nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa, xơ hóa võng mạc…”, BS Nguyễn Ngọc Thông cảnh báo.