Bệnh nhân bị ung thư gan có thể được chữa khỏi bằng 2 phương pháp cấy ghép gan hoặc phẫu thuật cắt bỏ nếu phát hiện kịp thời.
Khi được phát hiện kịp thời, bệnh nhân bị ung thư gan có thể chữa khỏi bằng 2 phương pháp:
- Phẫu thuật cắt bỏ (hẫu thuật này nhằm cắt bỏ phần ung thư ra khỏi gan. Ung thư khu trú ở một phần của gan và phần còn lại có thể vẫn khỏe mạnh).
- Cấy ghép gan (nếu ung thư gan có ở cả 2 thùy gan hoặc gan không bị ung thư không khỏe thì không thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ được mà phải sử dụng phương pháp cấy ghép gan, nghĩa là cắt bỏ toàn bộ gan và thay thế bằng nửa lá gan từ 1 người hiến tặng khỏe mạnh. Cấy ghép gan là phương án điều trị tốt nhất bệnh ung thư gan khi ung thư vẫn chưa di căn ra ngoài).
Bên cạnh đó, khi điều trị ung thư gan, nhiều nhân tố cần được xem xét như: tuổi, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, mức độ bệnh và lan rộng của ung thư… Việc đi khám sức khỏe định kỳ giữ vai trò rất quan trọng, giúp chúng ta phát hiện sớm bệnh để có biện pháp chữa trị thích hợp.
Đối với các trường hợp có khối u nhỏ đơn độc, chức năng gan còn tốt, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, hầu hết những người mắc ung thư gan cũng bị xơ gan và không cắt được. Các phương pháp điều trị khác như tiêm cồn, hoá chất động mạch gan…cho kết quả rất hạn chế. Đối với các bệnh nhân giai đoạn muộn, điều trị chủ yếu là chống đau và chăm sóc triệu chứng.
Dưới đây là cụ thể các phương pháp điều trị:
- Phẫu thuật điều trị ung thư gan
Phương pháp này được áp dụng cho các trường hợp bị ung thư gan nguyên phát, nếu chỉ có một phần gan bị ung thư xâm lấn và phần còn lại vẫn có thể đảm bảo chức năng tốt. Gan có khả năng tự bù trừ và hồi phục rất tốt. Kể cả khi phẫu thuật cắt bỏ 3/4 gan thì chỉ sau một vài tuần phần gan còn lại sẽ bắt đầu phát triển nhanh, có thể trở về kích thước như bình thường. Một số bệnh nhân khi u còn nhỏ cũng có thể được tư vấn phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ gan và thay thế bằng một gan của người khác hay còn gọi là phẫu thuật ghép gan.
Điều trị ung thư gan bằng phương pháp cấy ghép gan. Ảnh minh họa |
Áp dụng cho các trường hợp khối u có đường kính dưới 5cm. Hai phương pháp được áp dụng chủ yếu là tiêm cồn tuyệt đối và axit acetic qua da vào khối u. Cồn và axit sẽ phá hủy các tế bào ung thư. Nhóm kỹ thuật này thường được tiến hành tại khoa chẩn đoán hình ảnh, sử dụng siêu âm dẫn đường cho kim đi trực tiếp vào khối u. Trong trường hợp khối u tái phát, có thể tiếp tục điều trị như vậy nhiều lần.
- Diệt bằng tia lazer hoặc đốt nhiệt sóng cao tần
Đây là phương pháp sử dụng tia lazer hoặc máy sinh dòng điện để phá hủy các tế bào ung thư. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, một chiếc kim được cắm qua da vào trung tâm khối u, ánh sáng tia lazer hoặc sóng cao tần được truyền qua kim vào khối u, làm nóng tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.
- Hóa trị điều trị ung thư gan
Phương pháp hóa trị người bệnh sẽ được sử dụng một số loại thuốc chống ung thư để diệt tế bào khối u, được áp dụng cho các trường hợp không còn khả năng phẫu thuật cắt u. Thuốc chống ung thư thường được tiêm tĩnh mạch hoặc bơm trực tiếp vào động mạch gan nuôi khối u. Hóa trị liệu pháp thường được thực hiện thành từng đợt điều trị trong một số ngày.
Sau mỗi đợt truyền hóa chất là một đợt nghỉ vài tuần để cơ thể có thể hồi phục sau những tác dụng phụ của điều trị. Số lần hóa trị liệu phụ thuộc vào loại ung thư gan và mức độ đáp ứng với điều trị của người bệnh. Tuy nhiên, hóa trị có thể để lại một số tác dụng phụ không mong muốn. Các tác dụng phụ thường là giảm sức đề kháng với nhiễm khuẩn, cảm giác mệt mỏi, đau miệng, rụng tóc... chỉ là tạm thời và có thể được khống chế tốt bằng điều trị nội khoa.
- Xạ trị
Xạ trị liệu pháp là phương pháp điều trị sử dụng các loại tia năng lượng cao để phá hủy các tế bào ung thư và làm tổn thương ít nhất các tế bào lành. Phương pháp này ít khi được áp dụng cho ung thư tế bào gan, nhưng có thể chỉ định cho ung thư biểu mô đường mật.
Theo PV (VietNamNet)