Tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, bức xạ, hóa chất từ môi trường và thực phẩm... khiến tỷ lệ mắc ung thư cao ở người lớn tuổi.
Ngoài ra, sự thay đổi mô và các cơ quan bên trong cơ thể ở người già là môi trường thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển. Các yếu tố khác liên quan đến tuổi tác có thể làm tăng nguy cơ ung thư gồm: bệnh viêm mãn tính ở người già; sự thay đổi DNA gây ung thư do các gốc tự do oxy gây ra; các cơ chế sửa chữa hư hỏng DNA kém hiệu quả hơn. Hệ miễn dịch của người già suy yếu dần và giảm khả năng phục hồi để chống lại sự tấn công liên tục của vi trùng và vi khuẩn. Do vậy, ung thư càng dễ phát sinh.
Phần lớn các ca ung thư gặp ở người lớn tuổi. |
Người trẻ có nguy cơ mắc ung thư hay không?
Bác sĩ Minh Hương cho biết, dù người già có nguy cơ mắc ung thư cao hơn nhưng không có nghĩa là người trẻ không thể bị ung thư. Ngược lại, độ tuổi mắc bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, thậm chí, trẻ em (dưới 16 tuổi) cũng có thể mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Theo nghiên cứu của WHO công bố vào 12/4/2017, tỷ lệ ung thư ở trẻ em trong những năm 2000 tăng hơn 13% so với hơn 20 năm trước. Trong đó, bệnh bạch cầu chiếm tỷ lệ cao nhất 30-39%, nhóm chiếm vị trí thứ hai là khối u hệ thần kinh trung ương chiếm từ 22,1%-29%, ở vị trí thứ 3 là các khối u lympho 14,2%.
|
Năm 2014, bộ ảnh về 3 bé gái bị ung thư của 2 nhiếp ảnh gia Lora Scantling và Christy Goodger đã lấy nước mắt của nhiều người. Trong ảnh là bé Rylie (3 tuổi, phải) bị ung thư thận, Rheann (6 tuổi, giữa) bị ung thư não và Ainsley (4 tuổi, trái) mắc bệnh bạch cầu. |
Nguyên nhân khiến người trẻ có nguy cơ mắc ung thư
Bác sĩ Minh Hương chỉ ra những lý do khiến ung thư tấn công cả người trẻ.
Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc: thuốc lá gây ra khoảng 22% các ca tử vong ung thư.
Gia đình có tiền sử mắc ung thư: ung thư không di truyền, nhưng gen đột biến gây ung thư hoặc một số bệnh làm tăng nguy cơ ung thư (hội chứng đa polyp có tính gia đình, viêm gan B, C...) có thể di truyền. Vì thế, những người có tiền sử gia đình mặc bệnh ung thư có nguy cơ mắc bệnh và có thể mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn bình thường.
Ăn ít trái cây và rau xanh: WHO đã thống kê, chế độ ăn uống ít trái cây và rau quả được cho là nguyên nhân gây ra khoảng 14% các ca tử vong vì ung thư đường tiêu hóa.
Lười vận động: lối sống thiếu vận động làm tăng nguy cơ mắc 13 bệnh ung thư về thực quản, gan, phổi, thận, đại trực tràng…
Uống nhiều rượu: rượu là nguyên nhân gây nên 3,6% trong tổng số trường hợp ung thư trên toàn thế giới, 1,7% ở phụ nữ và 5,2% ở nam giới.
Ô nhiễm không khí, phơi nhiễm với các chất gây ung thư: ô nhiễm không khí chịu trách nhiệm cho 1-4% các bệnh ung thư. Một số nghề nghiệp lao động chân tay, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất cũng có nguy cơ mắc ung thư cao.
Ô nhiễm không khí, phơi nhiễm với các chất gây ung thư làm tăng nguy cơ ung thư. |
Bác sĩ Hương nhận định, những thống kê trên cho thấy, ung thư không trừ một ai. Việc cần làm lúc này là thực hiện các biện pháp phòng bệnh càng sớm càng tốt: tiêm phòng HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung, tiêm phòng viêm gan B ngừa ung thư gan; không hút thuốc lá; ăn uống khoa học; tăng cường hoạt động thể chất; hạn chế sử dụng rượu; kiểm soát rủi ro nghề nghiệp, bảo vệ cơ thể khỏi ô nhiễm không khí…
Tất cả những biện pháp trên chỉ đạt hiệu quả ở mức tương đối. Vì vậy, ngoài việc thay đổi lối sống lành mạnh, cần tầm soát ung thư định kỳ. Nhờ tầm soát ung thư, nhiều người đã phát hiện bệnh sớm và có cơ hội chữa khỏi, tỷ lệ tử vong vì ung thư cũng giảm đáng kể.
Theo Thu Ngân (VnExpress.net)