PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng là bác sĩ tiên phong trong việc sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm. Ảnh: thuvienbachmai.vn |
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, kháng sinh là “con dao hai lưỡi”, có thể đem tới hậu quả khôn lường. Bởi 10 lần trẻ ốm, chỉ 1-2 lần cần sử dụng kháng sinh. Việc tự ý cho con sử dụng thuốc kháng sinh có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, viêm phế quản do virus. Những trường hợp này thường phải điều trị lâu và sử dụng thuốc rất đắt tiền.
TS. Dũng cho biết, để chuẩn đoán đúng bệnh, kê đơn có sử dụng kháng sinh hay không phải do bác sĩ quyết định. Nhiều phụ huynh không hiểu, "hồn nhiên" cho con dùng thuốc bừa bãi để tiết kiệm thời gian, chi phí.
Uống nhiều thuốc kháng sinh khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, dẫn đến tiêu chảy kéo dài, dị ứng gây sốc phản vệ, diễn ra nhanh chóng và thậm chí tử vong không thể tiên đoán trước. PGS.TS cũng cho biết thêm, rất nhiều trường hợp trẻ trở bệnh nặng, tử vong mà nguyên nhân là do lạm dụng kháng sinh.
Tình trạng "nhờn thuốc" đáng báo động
Vì tự ý mua thuốc, kê đơn nên sử dụng thuốc không có hiệu quả, cha mẹ lại tự đổi sang loại thuốc khác hoặc dùng phối hợp thuốc cho trẻ. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo đây cũng là cách làm nguy hiểm, chỉ vì thiếu hiểu biết mà vô tình gây khó khăn cho chính bệnh nhi và bác sĩ trong quá trình điều trị về sau.
Trẻ nhỏ thường xuyên mắc các bệnh đường hô hấp, nguyên nhân chủ yếu là nhiễm virus. Trong trường hợp này, việc dùng kháng sinh không hiệu quả mà còn có thể gây ra những tác dụng phụ khôn lường.
Sử dụng kháng sinh thường xuyên khi không có dấu hiệu nhiễm khuẩn sẽ dẫn tới tình trạng “nhờn thuốc”. Khi đó, kháng sinh đã bị mất tác dụng tiêu diệt và ngăn chặn sự phát triển của loại vi khuẩn đó.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng là người đi tiên phong trong việc sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm. Không chỉ trong khám, chữa bệnh, ông còn tích cực nghiên cứu và viết nhiều cuốn sách được giới chuyên môn đánh giá cao như: Sử dụng hợp lý kháng sinh, Sử dụng các kiến thức về dược động học, dược lực học để sử dụng kháng sinh cho trẻ em. Các nghiên cứu ngày đã trở thành tài liệu giảng dạy trong các trường y, dược. |