Hiện đang xuất hiện một luồng chống tiêm vaccine (anti vaccine) kiểu nhóm, hùa theo số đông. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, người có nhiều năm trong chuyên môn Nhiễm Nhi thì đó là một sai lầm chết người.
Một bà mẹ tiêm vaccine ngừa bệnh cho con. (Ảnh minh hoạ) |
Tốn 1.000 tỷ cho 1 loại vaccine tiêm chủng mở rộng
Thậm chí, có phụ huynh còn dịch lại cuốn sách của Tổ chức giải phóng tiêm chủng Hoa Kỳ để tuyên truyền cho những luận điểm này. Tuy vậy, theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), suy nghĩ trên là cực kỳ sai lầm, thậm chí có ảnh hưởng to lớn đến cả thế hệ trẻ của dân tộc.
BS Khanh cho biết, việc antivaccine xuất hiện từ lâu, ở cả trong và ngoài nước, thường là từ những người khá nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn. Sở dĩ gần đây tiếp tục rộ lên là do cộng đồng mạng lôi kéo những người đang còn lăn tăn về câu chuyện tai biến và tác dụng phụ của chủng ngừa. Dần dần gây ảnh hưởng đến người chưa bình tĩnh.
Nhiều trẻ phải thở máy, nằm chung giường bởi số lượng bệnh nhi nhập viện vì dịch bệnh tăng đột biến. |
Cụ thể, người chống vaccine thường tìm rất nhiều bài báo, chỉ cần bài nào có sự nghi ngờ với vaccine họ sẽ đưa lên mạng nhằm tạo ra hiệu ứng riêng cho họ. Thời gian trước, có một trang báo lớn đăng tải thông tin động trời, rằng vaccine ngừa sởi rubela gây ra tự kỷ. Sự việc khiến dư luận rúng động và ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm chủng mở rộng dịch bệnh này. Cuối cùng, bài báo phải rút lại để sửa số liệu vì thông tin không chính xác.
BS Trương Hữu Khanh nói về tình trạng anti vaccine diễn ra trong những ngày gần đây. |
"Nhiều gia đình có con cái bị khiếm khuyết gì đó, thông thường mang tính bẩm sinh, tuy nhiên do khi còn bé, cái mà cha mẹ trẻ tiếp xúc nhiều nhất là vaccine nên người ta nghĩ đó là do tiêm ngừa" – BS Khanh nói.
Ngoài ra, thực trạng có những loại vaccine được phổ biến vì nhóm lợi ích, được tuyên truyền tiêm quá đáng cũng gây hậu quả không mong muốn. Tuy nhiên theo BS Khanh, nếu vịn vào cớ có nhóm lợi ích trong sản xuất vaccine để kêu gọi chống lại là hoàn toàn sai.
"Những người anti đa phần là người mù quáng, cực đoan do trong gia đình họ có vấn đề. Đây là tình trạng đáng báo động, vì nó làm những người đang dao động bỏ vaccine, bỏ chích, khiến bệnh quay trở lại. Cả cộng đồng bỏ chích sẽ gây hậu quả rất lớn. Bệnh quay lại không phải trả giá bình thường mà bằng sinh mạng của hàng loạt trẻ em" – người đứng đầu khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 cảnh báo.
Lý giải về tầm quan trọng của việc tiêm chủng, BS Khanh dẫn chứng, nhiều nước tiên tiến như Mỹ đưa chích ngừa vào yêu cầu bắt buộc, là điều kiện để trẻ được nhận vào trường học. Hầu như tất cả các nước đều có lịch tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ. Sở dĩ có chuyện này là bởi nhà nước nhận ra rằng, nếu đại dịch xảy ra thì kinh phí khắc phụ hậu quả phải bỏ ra còn lớn hơn rất nhiều lần. Và theo BS, để một loại vaccine đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng phải tốn cả ngàn tỷ.
"Thay vì đi mua điện thoại thông minh, hãy đi chích ngừa cho con bạn trước"
Nói về những phản ứng không mong muốn khi tiêm vaccine, BS Khanh khẳng định, chuyện này mang tính cá thể và cơ địa. Do đó, nhà sản xuất chỉ giảm đến mức thấp nhất tình trạng này chứ không bỏ vaccine.
"Tất cả vaccine dùng trên 10 năm đều đã đươc theo dõi rất kỹ. Áp lực của hội đồng y đức của người làm ra vaccine nặng nề hơn xã hội rất nhiều nên tính ổn định, tính tạo miễn dịch và an toàn cho phép đã được kiểm định. Ai cũng chỉ muốn cái tốt hơn, ít tác dụng phụ hơn" – BS Khanh cho biết.
Để tránh việc tiêm chủng tràn lan, kém hiệu quả, ảnh huởng đến sức khoẻ con trẻ, BS Khanh khuyên các phụ huynh hãy là người tiêu dùng thông minh. Cụ thể, phải tìm hiểu kỹ thông tin để tự mình tự chọn thời điểm ưu tiên của vaccine để chích ngừa cho con, bởi không phải vaccine nào cũng cần tiêm ngay lập tức.
"Anti vaccine là có tội với sức khoẻ dân tộc". |
"Vaccine có ưu tiên thứ tự, theo lứa tuổi, theo lịch tiêm chủng, lúc nào cần mới đi tiêm. Việc tiêm tràn lan sẽ gây ra lãng phí, bỏ có vaccine cần chích vào lúc nhỏ, có loại lớn mới chích. Có loại lại chỉ phù hợp với vùng miền này mà không nên sử dụng cho vùng khác" – BS Khanh phân tích.
Ngoài ra, BS Khanh cho rằng, thông tin về vaccine mà lịch tiêm chủng mở rộng công bố phải mang tính công bằng với người tiêu dùng. Khi hướng người dân đến nguồn thông tin sai lệch sẽ rất nguy hiểm.
"Nếu có thể, người làm truyền thông nên phụ cho nhau để giải quyết vấn đề anti vaccine. Về phía người dân, hãy chịu khó tìm tòi kỹ chứ đừng tự quyết định khi chỉ đọc một luồng thông tin hay một bài báo nào đó. Còn nếu cố tình anti vaccine là tội với một thế hệ, có tội với sức khoẻ cả dân tộc. Đơn cử như dịch viêm gan B, chúng ta đã phải duy trì tiêm chủng suốt 20 năm để trở thành một nước mạnh, không chích ngừa cá thể. Tiêm chủng mở rộng mang tính quốc gia, dân tộc" – BS Khanh dẫn chứng.
Trẻ nhập viện vì không chích ngừa tại khoa Nhiễm - Thần kinh chiếm đến 80%. |
Trở lại với câu chuyện hiện tại, BS Khanh cho biết, tỉ lệ trẻ không chích ngừa và không biết để chích ngừa đang nằm điều trị tại khoa nhiễm chiếm đến 80% số trẻ. Lý do mà nhiều phụ huynh đưa ra vẫn là suy nghĩ "không cần, không biết, không lo".
Cuối cùng, BS Khanh kêu gọi các cha mẹ hãy đặt chuyện tiêm vaccine ngừa bệnh cho con lên hàng đầu.
"Hãy nhìn vào dịch Sởi năm 2014, người dân với suy nghĩ tiêm vaccine sẽ bị tai biến nên phải trả giá đắt bằng hàng loạt mạng người. Thay vì đi mua điện thoại thông minh theo trào lưu, hãy đi chích ngừa cho con bạn trước" – BS Khanh ví von.
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)