Trẻ nhập viện vì bố mẹ tự ý “kê đơn bốc thuốc”

18/11/2015 15:32:50

Thấy con sốt, viêm họng, ho, tiêu chảy... không ít phụ huynh đã tự làm bác sĩ, hỏi kinh nghiệm của người khác hoặc tùy tiện dùng lại đơn thuốc cũ rồi mua kháng sinh về cho con uống mà không lường hết hậu quả...

Thấy con sốt, viêm họng, ho, tiêu chảy... không ít phụ huynh đã tự làm bác sĩ, hỏi kinh nghiệm của người khác hoặc tùy tiện dùng lại đơn thuốc cũ rồi mua kháng sinh về cho con uống mà không lường hết hậu quả...

Đối mặt tử thần vì tự ý dùng kháng sinh

Tháng 8/2015, gần 50 nhà báo có mặt tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) đều xuýt xoa khen ngợi vẻ lanh lợi, đáng yêu của bé Đồng Quốc Việt (8 tháng tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định). Ít ai biết, trong suốt 100 ngày trước đó, em bé kháu khỉnh này cùng gia đình và đội ngũ bác sĩ khoa Nhi đã phải chiến đấu với tử thần, vì em bị viêm màng não mủ biến chứng, phát hiện rất muộn, sốc nhiễm khuẩn, tiên lượng rất xấu. Nay, không những em được cứu sống mà may mắn hơn, bệnh không để lại di chứng nào.

Điều đáng nói, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), một trong những nguyên nhân khiến các bác sĩ bị đánh lạc hướng trong việc chẩn đoán bệnh bé Việt ngay từ đầu, đó là do bé được điều trị kháng sinh không đúng bệnh trước khi nhập viện. Phải hơn một tuần nhập viện, với kinh nghiệm dày dặn của các chuyên gia nhi khoa, bé Việt mới được chẩn đoán chính xác bệnh sau khi được chọc dịch màng não tủy. Bé được điều trị bằng phác đồ đặc biệt với liều dùng kháng sinh mạnh nhất, mới nhất, tốt nhất để ngấm được vào màng não.
 

Bé Đồng Quốc Việt đang được các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra sức khỏe. Ảnh: P.V

Một trường hợp khác, cách đấy không lâu, khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Linh (12 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội) trong tình trạng nghi nhiễm khuẩn huyết tụ cầu vàng, sốt cao liên tục, khó thở, huyết áp tụt, có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn. Trước khi con nhập viện, bố mẹ Linh đã cho con sử dụng thuốc kháng sinh.

Các bác sĩ đã không đợi kết quả cấy máu, bởi bệnh nhân đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tràn khí màng phổi, suy hô hấp, phải thở máy... Lo ngại trẻ nguy hiểm từng giờ phút, các bác sĩ bằng kinh nghiệm dùng thuốc đã quyết định chọn kháng sinh chữa tụ cầu thế hệ 2 là Vancomycin để điều trị cho Linh. Tuy nhiên ba ngày sau, Linh vẫn sốt cao, buộc các bác sĩ phải đổi kháng sinh thế hệ 3 Linezolid, loại thuốc cuối cùng dùng điều trị tụ cầu vàng. May mắn, tình trạng bệnh nhân đáp ứng điều trị được loại kháng sinh này. Tuy nhiên, lúc đó bệnh nhân đã bị biến chứng phổi, tràn khí và mủ ra ngoài màng phổi làm tăng thêm tình trạng khó thở. Các bác sĩ phải phẫu thuật dẫn khí và mủ từ màng phổi ra ngoài. Sau một tháng rưỡi điều trị, bệnh nhân đã hồi phục gần như bình thường.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên nhân phải dùng đến kháng sinh thế hệ 3 chữa cho trường hợp này vì cơ thể trẻ đã kháng thuốc do cha mẹ tự ý sử dụng kháng sinh từ trước. “Chữa vi khuẩn tụ cầu, hiện chỉ có 3 nhóm kháng sinh để chữa trị. Nếu đến nhóm thứ 3 cũng bị kháng thuốc thì điều trị bệnh nhân sẽ rất gian nan, tốn kém, thậm chí người bệnh không thể qua khỏi vì không đáp ứng điều trị”, PGS.TS Dũng Nguyễn Tiến cho biết.

Kháng sinh mua dễ như rau

Với thâm niên hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực nhi khoa, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng vốn được biết đến như là một trong số các bác sĩ hiếm khi kê đơn thuốc có kháng sinh cho trẻ nhỏ. Theo ông, việc kê thuốc kháng sinh cho trẻ thì dễ và “nhàn” hơn cho bác sĩ rất nhiều nhưng với trẻ lại không hề tốt. Bởi kháng sinh là “con dao hai lưỡi”, hậu quả rất khôn lường.

Không ít bậc cha mẹ khi đưa con đi khám đã trực tiếp đề nghị, yêu cầu bác sĩ cho con mình được dùng kháng sinh cho... nhanh khỏi bệnh. Bởi nhiều người coi kháng sinh là thuốc trị “bách bệnh” như đau họng, sốt, sổ mũi... Một số khác, do thời đại công nghệ, mọi thứ đều có trên mạng, không ít người lại vào các diễn đàn thu hút sự tham gia của nhiều cha mẹ “bỉm sữa” để hỏi kinh nghiệm. Thậm chí, nhiều nhà còn dùng lại đơn thuốc cũ khi tự nhận thấy con mình bị các triệu chứng như lần trước. “Không cần khám, không cần kê đơn, việc mua, bán kháng sinh diễn ra tràn lan, dễ dàng như mớ rau, ngọn cỏ ngoài chợ”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nhiều bậc cha mẹ do quá tin tưởng vào việc dùng thuốc kháng sinh mà không lường được hiểm họa, tác dụng phụ do kháng sinh gây ra, trước hết, đó là dị ứng. Đây là tác dụng phụ khiến tất cả thầy thuốc phải sợ, bởi dị ứng có thể gây sốc phản vệ, diễn ra rất nhanh chóng và có thể gây tử vong ngay mà không thể tiên đoán trước được. Ngay cả với dị ứng chậm cũng vô cùng nguy hiểm, nó dẫn tới tình trạng nhiễm độc kháng sinh nặng và dẫn đến tử vong sau 1-2 tuần. Một tác dụng phụ hay gặp khác là tiêu chảy. Ngoài ra, tình trạng “nhờn” thuốc, có nghĩa là kháng sinh không thể đáp ứng được quá trình điều trị, cũng cần được nhắc đến như là một tác dụng phụ của việc dùng kháng sinh nhiều.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, rất nhiều trường hợp trẻ trở  bệnh nặng, tử vong mà nguyên nhân là do lạm dụng kháng sinh. Đã có những trẻ bị viêm phổi nặng, bác sĩ đã thay hết các loại kháng sinh tốt từ cũ đến mới nhưng vẫn không có tác dụng, bệnh nhân tử vong vì tất cả kháng sinh đều bị vi khuẩn nhờn thuốc kháng lại. Ngoài ra cũng có nhiều trẻ bị tác dụng phụ do lạm dụng kháng sinh là tiêu chảy, chữa 2 - 3 tháng mới cầm được không hề hiếm.

Các chuyên gia y tế luôn coi kháng sinh là “vũ khí” chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, với tình trạng kháng thuốc diễn ra đáng báo động như hiện nay, nhiều người lo lắng vũ khí đó sẽ mất dần tác dụng. Nói theo cách của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, kháng sinh được ví như “của để dành” để dùng trong những trường hợp thực sự nguy cấp. Nếu dùng kháng sinh không hợp lý, không chỉ bản thân người bệnh mà cả xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả.
 
TS Socorro Escalante, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, tình trạng các vi khuẩn, virus, nấm kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu. Ngay cả vi khuẩn gây bệnh thông thường như E.coli gây bệnh tiêu chảy cũng bước đầu có cơ chế phát triển phức tạp, bắt đầu kháng kháng sinh, cơ chế lây lan phức tạp hơn. Hiện các kháng sinh thế hệ 3 đang được bán trên thị trường cũng đã có dấu hiệu không hiệu quả với khuẩn E.coli. Có loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi các kháng sinh thế hệ 3 được coi là phương án cuối cùng thì nay đã không còn tác dụng, thường xảy ra trong môi trường bệnh viện. Một số loại kháng sinh điều trị trong nhiễm khuẩn hô hấp cũng bắt đầu có dấu hiệu không còn hiệu quả. Penicillin là loại kháng sinh rẻ tiền, sẵn có để điều trị bệnh hô hấp thì nay đã không còn hiệu quả.
 
>> Suýt chết vì “bác sĩ Google”
>> Cẩn trọng khi dùng kháng sinh cho trẻ!
 
Theo Thu Nguyên (Giadinh.net.vn)

Nổi bật