Trẻ em Việt thấp còi trong top 20 thế giới

20/04/2016 16:02:10

Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ trẻ thấp còi nhất do thiếu dinh dưỡng, khả năng miễn dịch thấp, số ngày bệnh hoặc nằm viện kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ trẻ thấp còi nhất do thiếu dinh dưỡng, khả năng miễn dịch thấp, số ngày bệnh hoặc nằm viện kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Theo giáo sư Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, cứ mỗi 4 trẻ Việt thì có một bé bị thấp còi do thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này. Trẻ từ một đến 5 tuổi có tình trạng dinh dưỡng ở ngưỡng -2SD trở lên (đơn vị đo sự phát triển trong giới hạn bình thường) mà gặp những trở ngại trong quá trình tăng trưởng vẫn có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Do vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần có giải pháp can thiệp sớm nhằm kiểm soát khả năng hấp thụ dinh dưỡng, hỗ trợ tăng trưởng giúp trẻ phát triển toàn diện, có cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc trọn vẹn.
 
Nghiên cứu về dinh dưỡng cấp quốc gia cho thấy trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày thường dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, đây là một trong những nguyên nhân chính gây thấp còi và suy dinh dưỡng. Tình trạng này diễn tiến trong một thời gian nhất định có thể khiến trẻ thấp bé khi trưởng thành và tác động lâu dài đến quá trình phát triển trí não, giảm khả năng học tập và năng suất lao động, giảm khả năng ghi nhớ, tăng rủi ro mắc bệnh mãn tính như tiểu đường và tim.
 

Ảnh minh họa: Health.

Ngoài ra các chuyên gia nhận thấy có nhiều trở ngại khác trong quá trình tăng trưởng ở trẻ nhỏ bao gồm cân nặng và chiều cao tăng không ổn định, khả năng miễn dịch thấp, số ngày bệnh hoặc nằm viện kéo dài đã tác động ngắn hạn và lâu dài đến sự phát triển thể lý. Mới đây các nhà khoa học đã tổ chức hội nghị "Để trẻ tăng trưởng khỏe mạnh - Giải pháp khoa học cho những trở ngại về tăng trưởng ở trẻ nhỏ" tại TP HCM thu hút nhiều chuyên gia nhi khoa trong nước và quốc tế tham gia thảo luận để tìm ra phương pháp can thiệp sớm nhằm giúp trẻ em Việt bắt kịp đà phát triển đúng chuẩn.

Tiến sĩ, bác sĩ Russell James Merritt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ dinh dưỡng và phục hồi tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Los Angeles, California (Mỹ), kể trong quá trình tư vấn cho phụ huynh cách giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng khỏe mạnh, ông phát hiện ra biện pháp hiệu quả nhất chính là kết hợp giữa việc tư vấn về chế độ ăn uống và duy trì bổ sung dinh dưỡng đường uống (ONS). Phương pháp này giúp các bé hấp thụ calories cũng như các vi chất dinh dưỡng hiệu quả hơn, đồng thời bắt kịp đà tăng trưởng và duy trì mức phát triển khỏe mạnh, ổn định ngay cả khi đã ngưng liệu trình tư vấn.

Sau một thời gian áp dụng phương pháp trên, bác sĩ Merritt đã trị liệu thành công cho nhiều trẻ em thiếu dinh dưỡng bằng việc điều chỉnh chế độ ăn kết hợp duy trì bổ sung dinh dưỡng qua đường uống. Kết quả cho thấy các bé đã cải thiện sức khỏe tổng thể sau 60 ngày (khoảng 9 tuần), chỉ số tăng trưởng tốt hơn, giảm số ngày bệnh, ăn ngon miệng và năng động hơn.

Một nghiên cứu quy mô lớn vào năm 2013 cho thấy việc bổ sung dinh dưỡng qua đường uống 2 lần mỗi ngày liên tục trong 48 tuần giúp trẻ có được dưỡng chất một cách đầy đủ và cân đối, đáp ứng ít nhất 50% các dưỡng chất thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển hệ thống miễn dịch.

Mặt khác, bác sĩ Merritt còn bày tỏ mối lo ngại về thực trạng thừa cân, béo phì là một trong những trở ngại tăng trưởng khác của trẻ em trong xã hội hiện đại. "Không chỉ ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân và thiếu cân trên thế giới cũng tương đương nhau. Thừa cân là nguyên nhân của nhiều yếu tố như di truyền, chế độ dinh dưỡng và cách cho ăn chưa đúng, hoạt động thể chất ít hoặc một số yếu tố xảy ra trong quá trình mang thai", ông nói.

Theo bác sĩ, thừa hay thiếu cân đều thể hiện mô hình tăng trưởng không khỏe mạnh. Do vậy cha mẹ cần nhận thức được tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng khoa học, đặc biệt là trong giai đoạn phôi thai và đầu đời của trẻ. Từ đó có những biện pháp can thiệp sớm để hỗ trợ trẻ nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến dinh dưỡng ngắn hạn cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển lâu dài.

Lưu ý phương pháp bổ sung dinh dưỡng đường uống thông thường không thích hợp cho trẻ thừa cân, béo phì, trừ các trường hợp cần điều trị tình trạng thiếu hụt một nhóm chất cụ thể nào đó như sắt, vitamin D... Biện pháp can thiệp quan trọng nhất đối với nhóm trẻ này tư vấn, điều chỉnh thói quen ăn uống cũng như lối sống bên cạnh các chương trình can thiệp, giám sát cân nậng, giáo dục nhận thức mua sắm thực phẩm, chế độ ăn uống và tập luyện. Cha mẹ cũng cần quan tâm và có những hiểu biết về thừa cân, béo phì nhằm phòng chống thừa cân ngay từ giai đoạn đầu đời bằng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý.

Ở góc độ khác, thạc sĩ, bác sĩ Mary Jean Villa-Real Guno, Chuyên viên tư vấn tiêu hóa nhi, Bệnh viện The Medical City, Manila, Philippines khuyên phụ huynh không nên quá lo lắng khi thấy con mình thấp bé nhẹ cân hơn bạn bè đồng trang lứa. Thực tế nhiều trẻ có tầm vóc nhỏ bẩm sinh bởi gene di truyền từ bố mẹ. Điều quan trọng là kiểm soát tốc độ tăng trưởng của các em. Nhìn chung, trẻ tăng trưởng khỏe mạnh sẽ tăng cân với tốc độ dự đoán được.

Bác sĩ khuyên khi con tăng trưởng không khỏe mạnh, bố mẹ nên tham vấn bác sĩ để xác định con mình có bị thiếu dinh dưỡng hay suy dinh dưỡng không, từ đó áp dụng biện pháp can thiệp phù hợp. Tình trạng tăng trưởng kém kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh, sức khỏe suy giảm và năng suất kém trong suốt cuộc đời.

Biện pháp can thiệp dinh dưỡng sớm sẽ giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nhất là ở trẻ phát triển không ổn định hoặc mắc bệnh mãn tính, không có khả năng hấp thụ chất đầy đủ và cân đối. Sau khi trẻ đã bắt kịp đà tăng trưởng ổn định, cha mẹ có thể ngưng bổ sung dinh dưỡng nhưng vẫn cần giám sát tăng trưởng thường xuyên.

Theo Trần Ngoan (VnExpress.net)

Nổi bật