Thống kê của bệnh viện Từ Dũ cho thấy có hơn 40% phụ nữ trầm cảm sau sinh có ý định tự tử. Sự mất mát này sẽ nhân đôi, nhân ba nếu người ấy có ý định mang con đi theo mình.
Ngày 18/10 vừa qua, theo ghi nhận của người dân xung quanh khu vực cầu Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội), tại đây đã xảy ra một vụ nhảy cầu tự tử. Nạn nhân là người phụ nữ khoảng hơn 20 tuổi, tên là N.T.B.L. Theo lời kể của gia đình, chị L. mới sinh con được 1 tháng và thời gian gần đây cũng có một số biểu hiện của bệnh trầm cảm. Đến sáng ngày 19/10, đã tìm thấy thi thể của chị.
N.T.B.L. được người nhà đăng trên mạng xã hội (Ảnh chụp lại màn hình)."> |
Thông tin chị N.T.B.L. được người nhà đăng trên mạng xã hội (Ảnh chụp lại màn hình). |
Cũng có biểu hiện trầm cảm, thế nhưng, chị Phạm Thị Hằng, một sản phụ vừa sinh được 5 tháng tại Nam Định lại may mắn hơn khi vẫn giữ được mạng sống. Mẹ chồng của chị cho biết, ngay từ khi sinh đứa con đầu tiên, chị Hằng đã có những biểu hiện bất thường như rửa tay liên tục, sợ sệt nhưng mọi người không để ý. Cho đến khi sinh con thứ 2, các biểu hiện này nặng lên với tình trạng không ăn, không ngủ, lẩn thẩn, thậm chí còn định tự sát. Khi được đưa vào bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (tháng 8/2016), chị ở trong tình trạng không ăn, không uống, không nói chuyện, chống đối điều trị quyết liệt và đặc biệt chỉ nặng 24 kg.
Trầm cảm sau sinh thực chất không phải là chứng bệnh hiếm gặp. Theo bà Nguyễn Thị Thu An, chuyên gia tư vấn tâm lý của chương trình Tâm sự bạn trẻ (thuộc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số), tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 15-25% trong 12 tháng sau sinh. Tuy nhiên, các biểu hiện trầm cảm ban đầu thường không được gia đình ghi nhận và để ý. Chỉ đến khi nhiều hậu quả đau lòng xảy ra, người ta mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của bệnh.
Có quá nhiều lý do khiến phụ nữ sau sinh bị trầm cảm. Ảnh: Pinterest. |
Tại sao sau khi sinh con, phụ nữ lại trầm cảm? Lẽ ra thời gian đấy, họ phải vui vẻ, hạnh phúc với niềm vui làm mẹ chứ? Nhiều người ắt hẳn sẽ nghĩ như vậy. Thế nhưng sau sinh, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi đột ngột về nội tiết (estrogen, progestrogen và hormone tuyến giáp suy giảm) dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Ngoài ra, thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa lúc này cũng có sự biến đổi, dẫn đến những bất ổn về cảm xúc. Kèm theo đó, nhiều người lại gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé dẫn đến mất hết hứng thú trong cuộc sống. Tình trạng này càng trở lên nghiêm trọng hơn nếu thời điểm ấy gia đình lại có mâu thuẫn hay có khó khăn về tài chính. Đặc biệt, nếu trong gia đình có người bị từng bị trầm cảm thì sau khi sinh, phụ nữ cũng có nguy cơ bị trầm cảm nhiều hơn.
Trầm cảm sau sinh không thể tự biến mất
Vậy rốt cuộc, trầm cảm sau sinh là gì? Theo bà Thu An, đó là tình trạng rối loạn cảm xúc tiêu cực. Nó có một số biểu hiện giống với sự buồn chán nhưng lại không hoàn toàn như vậy, bởi buồn chán chỉ đơn thuần là sự biến đổi cảm xúc nhẹ, xuất hiện trong vòng khoảng 5-10 ngày đầu sau khi sinh rồi tự mất đi hoàn toàn. Trong khi đó, trầm cảm lại có thể kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm và sẽ không thể tự hết nếu không có biện pháp can thiệp.
Triệu chứng thường gặp nhất của trầm cảm là đau một vùng nào đó trên cơ thể và lúc nào cũng có cảm giác bị bệnh dù thực tế không phải vậy. Kèm theo đó, nhiều người sẽ thường xuyên cảm thấy lo lắng, hốt hoảng, mất tập trung, mệt mỏi, buồn chán, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể. Cũng bởi thường xuyên căng thẳng như vậy nên họ dễ rơi vào tình trạng mất ngủ trường kỳ. Họ cũng bị mất đi ham muốn tình dục và thường né tránh chồng trong “chuyện ấy”.
Nguy hiểm nhất của trầm cảm là cảm giác bị ám ảnh. Những người này thậm chí còn nghĩ rằng mình là mối nguy hại của gia đình, đặc biệt là đứa trẻ. Những nỗi sợ này có thể kèm theo cảm giác tội lỗi, dẫn đến nhiều hành động dại dột như tự tử.
Trầm cảm sau sinh không thể tự biến mất. Ảnh: Pinterest. |
Cần điều trị ngay khi có dấu hiệu đầu tiên
Để phòng chống trầm cảm sau sinh, theo bà Thu An, ngay từ thời kỳ mang thai, cả người mẹ và người bố tương lai cần học cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Điều này thể hiện cách thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ công việc giữa các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, người mẹ cũng cần học cách thư giãn và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, mệt mỏi trước và sau sinh. Khi thấy quá sức, chị em cần chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân, tránh tình trạng kiệt sức vì gồng mình.
Về phía gia đình, không chỉ chồng mà những người thân xung quanh cần động viên, gần gũi và chia sẻ với thai phụ về cuộc chuyển dạ và chăm sóc em bé. Việc cho con bú mẹ cũng cần khuyến khích sau sinh, bởi nó sẽ làm tăng sợi dây liên kết giữa mẹ và con, từ đó khiến người mẹ cảm thấy yêu con, yêu cuộc sống hơn.
Đặc biệt, phụ nữ sau sinh nếu thấy mình có biểu hiện của rối loạn cảm xúc, cần phải thư giãn, nghỉ ngơi, thậm chí là có thể gửi con ở nhà để tụ tập bạn bè cho đỡ căng thẳng. Dù không muốn, nhưng người mẹ cũng phải cố gắng ăn uống đầy đủ, đúng bữa, ngay cả khi không thấy đói, đồng thời tránh ép bản thân phải làm những việc mà mình không thích.
Thực tế, nhiều phụ nữ trở nên trầm cảm nặng hơn, một phần là do đã không được gia đình chăm sóc đúng cách. Do đó, nếu thấy sản phụ có dấu hiệu bất thường về tâm lý, người thân cần cân nhắc có nên đưa họ đến bác sĩ điều trị không. Việc điều trị càng sớm sẽ càng đạt được hiệu quả cao. Thêm vào đó, bên cạnh việc để người bệnh nghỉ ngơi thì gia đình cũng cần tạo điều kiện để họ có thể tham gia lao động, làm những việc vừa sức để tinh thần được thư thái. Cuối cùng, hãy luôn để một người thân thiết mà sản phụ tin tưởng ở bên cạnh để trò chuyện cũng như hỗ trợ những công việc khác.
Theo An An (Đời Sống & Pháp Lý)