TP.HCM cuống cuồng vì... virus Zika

12/11/2016 06:56:00

Tính đến 21 giờ ngày 10.11, TP.HCM đã có 34 trường hợp nhiễm virus Zika được xác định. Các chuyên gia y tế đánh giá, môi trường sống ô nhiễm, chật chội, nhiều rác thải, nhiều công trình xây dựng càng khiến cho TP.HCM đứng trước nguy cơ bùng phát dịch “kép” Zika và sốt xuất huyết.

Tính đến 21 giờ ngày 10.11, TP.HCM đã có 34 trường hợp nhiễm virus Zika được xác định. Các chuyên gia y tế đánh giá, môi trường sống ô nhiễm, chật chội, nhiều rác thải, nhiều công trình xây dựng càng khiến cho TP.HCM đứng trước nguy cơ bùng phát dịch “kép” Zika và sốt xuất huyết.

Cho đến nay, ca nhiễm virus Zika đã được ghi nhận ở hầu hết các quận, huyện của TP.HCM, trong đó những quận, huyện vùng ven, những “điểm đen” từng bùng phát dịch sốt xuất huyết có số ca mắc Zika nhiều hơn.  Cụ thể: Quận Bình Thạnh (7 ca); quận 9 (4 ca); quận 2 (4 ca); quận 12 (4 ca); huyện Hóc Môn (3 ca); quận Tân Phú (3 ca); quận Bình Tân, quận 4, quận 5 (mỗi quận 2 ca); quận 10, quận Thủ Đức và huyện Cần Giờ (mỗi quận, huyện 1 ca). Trong số 34 ca nhiễm Zika có 4 ca là phụ nữ mang thai, trong đó 1 ca mang thai dưới 3 tháng tuổi đang được theo dõi.

tp.hcm cuong cuong vi... virus zika hinh anh 1
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra việc phòng chống loăng quăng trong các bể chứa nước tại quận 2, TP.HCM. Ảnh: Q.H

Những ngày này, Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh đang “vắt chân lên cổ” trong công tác phòng chống virus Zika bởi đây là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất thành phố tính đến thời điểm hiện tại. Theo bác sĩ CK II Nguyễn Duy Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh, ngay khi có thông tin về ca bệnh, nhân viên y tế dự phòng đã tiếp cận bệnh nhân tư vấn trực tiếp và hướng dẫn phòng bệnh cho gia đình. Đồng thời, Trung tâm cũng tổ chức công tác truyền thông đến từng hộ trong bán kính 200m từ nhà bệnh nhân nhằm điều tra tình hình bệnh tại khu vực trong vòng 1 tháng trước đó, hướng dẫn người dân tự phòng bệnh và diệt loăng quăng; tự theo dõi sức khỏe bản thân và gia đình. “Song song với đó, Trung tâm cũng tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trong phạm vi ổ dịch 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày. Đặc biệt, Trung tâm cũng lập danh sách các thai phụ trong phạm vi ổ dịch để theo dõi sức khỏe và diễn tiến thai kỳ” - ông Thái cho biết.

Hoạt động này cũng đồng thời triển khai khắp 24 quận, huyện nhằm hạn chế thấp nhất tốc độ lây lan của virus Zika. Theo Ths-BS Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM), ngoài việc khuyến cáo Trung tâm Y tế dự phòng các quận, huyện đẩy mạnh triển khai phun hóa chất diệt muỗi, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã tập huấn và cùng tham gia với Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện trong công tác truyên truyền hàng tuần, ít nhất 4 tuần liên tiếp kể từ ngày nhận thông tin ca bệnh xác định, có thể kéo dài hơn tại các địa phương nếu tiếp tục phát hiện ca nghi ngờ. Đặc biệt, danh sách thai phụ trong phạm vi ổ dịch sẽ chuyển cho trạm y tế phường, xã để theo dõi thai kỳ và sức khỏe thai phụ, tránh các biến chứng đáng tiếc của virus này với thai nhi.

Địa phương còn thờ ơ?

tp.hcm cuong cuong vi... virus zika hinh anh 2

Trước tình hình dịch Zika đang ngày càng lan rộng, TP.HCM đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế lây lan. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thời gian qua ngành y tế thành phố đã nỗ lực hết sức để ngăn ngừa dịch do virus Zika, như tổ chức giám sát 30 bệnh viện, trong đó có 23 bệnh viện quận, huyện từ khi ca bệnh do virus Zika khởi phát. Riêng từ tháng 11, ngành y tế cũng triển khai thêm nhiều điểm giám sát virus Zika tại các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn các quận, huyện có nhiều ca nhiễm Zika; đồng loạt tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường tại tất cả quận, huyện…

Tuy nhiên, trong buổi làm việc mới đây với Sở Y tế thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu lại đánh giá, 24 quận, huyện đã có sự chỉ đạo nghiêm túc trong phòng chống dịch bệnh nhưng các phường, xã, thị trấn lại thiếu quan tâm nên phòng chống dịch vẫn chưa hiệu quả và liên tục phát hiện ca mắc mới. Theo bà Thu, mấu chốt của phòng chống dịch do virus Zika là diệt muỗi, diệt loăng quăng… nhưng đến nay có địa phương làm, có địa phương chưa làm hoặc làm chiếu lệ.

“Thực tế, môi trường sống của người dân vẫn còn nhiều ổ rác, ổ muỗi, loăng quăng. Do vậy, các quận, huyện phải tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các phường, xã, tránh “chỉ đạo bằng văn bản”. Đồng thời, Sở TNMT thành phố cũng phải bắt tay ngay vào việc phối hợp thành lập chiến dịch tổng vệ sinh đường phố. Địa phương nào không làm, hoặc làm không tới, đề nghị có biện pháp răn đe, xử lý trách nhiệm” - bà Thu chỉ đạo.

Theo một chuyên gia phòng chống dịch bệnh nhiệt đới, hiện tại thành phố cũng chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh và điều này cũng không thể thực hiện khi mật độ dân số của thành phố rất cao. Vì vậy, biện pháp tốt nhất vẫn là mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, loăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và virus Zika; đặc biệt là thai phụ. 

“Hiện Việt Nam đã được đưa lên bản đồ Thế giới là vùng có lưu hành virus Zika với 7 tỉnh, thành ghi nhận ca nhiễm. Riêng TP.HCM đã ghi nhận 12/24 quận, huyện có người nhiễm virus Zika với 34 ca tính đến 21 giờ ngày 10.11 và có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ca mới trong thời gian tới…”.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM

Theo Quốc Hải (Dân Việt)

Nổi bật