Khối u khổng lồ trong lồng ngực gây chèn ép làm xẹp hết phế quản gốc trái đứa bé. Nằm ở vị trí nguy hiểm này khiến việc cắt khối u lẫn gây mê gặp rất nhiều khó khăn.
Ảnh chụp X-quang cho thấy khối bướu khổng lồ trong lồng ngực. |
ThS.BS Vũ Trường Nhân – Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết, đây là khối u rất lớn, nằm ở vị trí nguy hiểm trong vùng trung thất trước đè vào động mạch chủ và các mạch máu lớn khác. Hơn nữa, khối u này còn đè xẹp phế quản gốc bên trái khiến bệnh nhi chỉ còn hô hấp bằng 1 phổi bên phải. Chính vì vậy ngoài việc phẫu thuật cắt trọn khối u đã vô cùng khó khăn, nguy cơ gây mê trên bệnh nhi cũng rất lớn.
Hình ảnh khối bướu khi mới mở ngực. |
Các phương án phẫu thuật trước mổ đã được xem xét rất kỹ lưỡng, bởi chỉ một trục trặc nhỏ trong quá trình dẫn mê và gây mê trong lúc phẫu thuật cũng khiến tính mạng bệnh nhi bị đặt trong vòng nguy hiểm. Sau 3 tiếng căng thẳng, khối u cân nặng gần 1 kg chứa dịch, vôi, mỡ, tóc, chiếm 1/9 trong lượng cơ thể bệnh nhi đã được loại bỏ hoàn toàn. Bệnh nhi không còn tình trạng khó thở, bứt rứt, ăn uống tốt và xuất viện 5 ngày sau mổ.
Khối bướu khổng lồ sau khi lấy ra. |
BS.CK2 Trương Anh Mậu, Phó khoa Bỏng - Chỉnh hình BV Nhi Đồng 2 chia sẻ, khối u mà bệnh nhi mang thuộc dạng u quái tuyến ức ở trẻ em vô cùng hiếm, chỉ chiếm 8% trong các loại u quái trung thất. Dạng u này thường có kích thước rất lớn và ở vị trí khó tiếp cận nên việc chọn lựa đường mổ cũ là rất quan trọng.
"Ê kíp phẫu thuật đã tránh sử dụng đường mổ như thông thường là mở ngực bên kèm theo cắt nhiều khớp ức sườn có thể để lại nhiều di chứng cho bệnh nhi sau mổ và lựa chọn đường mổ giữa ngực chẻ xương ức giúp tạo thuận lợi cho việc phẫu tích cắt và lấy trọn u, tránh nguy cơ tái phát về sau" – BS Trương Anh Mậu cho biết.
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)