Bận bịu với việc công ty, tối về đến nhà, chị Ngọc Anh chỉ kịp tắm rửa, ăn uống vội vã rồi lên giường ngủ, chẳng còn thời gian trò chuyện hỏi thăm chồng con.
Hạnh phúc gia đình được vun đắp từ sự quan tâm và những khoảng thời gian sinh hoạt chung giữa các thành viên. Ảnh minh họa: Tổ Ấm Việt. |
Ông bố trẻ hiện là trưởng phòng kinh doanh một công ty xuất nhập khẩu tại Bình Dương. Anh chia sẻ: “Nhiều hôm về trễ nhìn vợ con ôm nhau ngủ cũng thấy áy náy trong lòng lắm. Nhưng biết làm sao được, có nhiều việc giải quyết ở quán nhậu dễ hơn là gặp nhau ở văn phòng”.
Buổi chiều thứ sáu tại một khu biệt thự cao cấp ở quận 7, cậu bé trượt patin hào hứng cùng bạn bè. Chốc chốc mồ hôi đổ nhễ nhại, cu cậu dừng lại ngồi sà xuống ghế đá để được một phụ nữ lấy khăn bông lau mặt cho. Quân cho biết người phụ nữ ấy là người giúp việc được bố mẹ "ủy quyền" nuôi dưỡng và dạy dỗ em.
Như rất nhiều đứa trẻ ở các thành phố này, cậu bé rất ít khi trò chuyện hay tham gia các hoạt động cùng cha mẹ nên em yêu thương người giúp việc hơn cả hai đấng sinh thành của mình. "Tập thể thao và đi chơi thì em đi cùng với cô giúp việc. Hôm nào được nghỉ học, em ở nhà trồng cây với bác làm vườn. Ba mẹ của em suốt ngày bảo bận rộn với công việc ở công ty…", giọng cậu bé chùng xuống khi kể về gia đình mình.
Gặp gỡ một số gia đình tại TP HCM, phó giáo sư, tiến sĩ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết, nhiều công trình nghiên cứu xã hội và tâm lý khẳng định gia đình là môi trường giáo dục quan trọng nhất giúp hình thành nên nhân cách của một con người. Hạnh phúc gia đình cần được vun đắp qua những việc rất nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên, qua sinh hoạt cụ thể diễn ra hàng ngày trong đời thường như ăn uống, nghỉ ngơi, chuyện trò và vui chơi.
Nhà tâm lý khuyến cáo, thời gian vắng nhà của các ông bố bà mẹ càng tăng lên thì quan hệ gia đình càng “lạnh” đi. Ông ví sự gặp gỡ giữa các thành viên cũng như những ngón tay của hai bàn tay đan lại với nhau. Một khi thiếu đi sự đối thoại gần gũi sẽ để lại những khoảng trống không được làm ấm từ bàn tay mỗi thành viên. Tình cảm vợ chồng nhạt nhòa dần vì thiếu vắng sẻ chia. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cũng ngày càng xa dần vì hầu hết việc chăm sóc dạy dỗ con cái đều giao cho người giúp việc.
Một cuộc điều tra về gia đình Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổng cục thống kê, Viện nghiên cứu gia đình Australia, Viện Nghiên cứu gia đình thế giới và Tổ chức UNICEF, ghi nhận có đến 20% các ông bố và 7% bà mẹ Việt không dành đủ thời gian tối thiểu để chăm sóc, dạy dỗ con cái.
Thậm chí Tết cổ truyền dân tộc vốn là dịp cả nhà quây quần bên nhau để trò chuyện, ăn uống thì ngày nay phụ huynh do quá bận rộn đi chúc Tết khách hàng, đối tác nên không còn thời gian để quan tâm đến gia đình. Vì thế Tết được nhiều trẻ em định nghĩa là dịp “chơi iPad suốt cả ngày”. Người già cũng chỉ biết bầu bạn với tivi và tiếc nuối về ngày Tết đoàn viên năm xưa như một điều xa xỉ.
"Với những gia đình vẫn còn giữ được truyền thống sum họp ngày Tết, thì đó là dịp gặp gỡ hiếm hoi của các thành viên. Tết hết, nhịp sống thường ngày trở lại thì cũng là lúc 'lửa nhà' bắt đầu nguội lạnh dần", ông Sơn nhận xét.
Lý giải thực trạng nhiều phụ huynh ngày nay không dành nhiều thời gian chăm sóc dạy dỗ con cái, ông Sơn cho rằng gia đình có thể ví như một "thể chế", có thể bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là vấn đề kinh tế. Nền kinh tế thị trường một mặt tạo cơ hội cho mọi người cơ hội thăng tiến bằng chính năng lực lao động, sáng tạo, nhưng mặt khác lại cuốn họ vào vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt. "Con người buộc phải gồng mình gắng sức bươn chải mưu sinh nhằm đáp ứng các nhu cầu vật chất ngày càng tăng lên của bản thân và gia đình. Vì vậy thời gian họ dành cho ngôi nhà ngày càng ít ỏi", ông nhìn nhận.
Theo ông, để thích nghi với lối sống hiện đại mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống và hạnh phúc, mỗi gia đình phải tự tìm ra cho mình một phương pháp “giữ lửa” thích hợp. Chẳng hạn cả nhà cùng thích trượt patin thì dành ra vài chục phút đi trượt cùng nhau hoặc cùng xem phim, làm từ thiện, du lịch...