|
Hình ảnh các hạt HIV tấn công một tế bào của người. Ảnh: Daily Mail. |
Kỹ thuật này phát huy tác dụng nhờ dùng liệu pháp gen đưa một mảnh ADN mới vào bên trong các tế bào khỏe mạnh. "Thuốc này có thể bảo vệ cơ thể khỏi HIV như tác dụng của một loại vắc xin”, trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Michael Farzan, Viện nghiên cứu Scripps ở Florida, Mỹ, nhấn mạnh.
Loại thuốc này có tên eCD4-Ig, cấu tạo gồm 2 thành phần mô phỏng thụ thể hay điểm neo đậu, nơi virus HIV bám vào các tế bào CD4, hàng phòng thủ then chốt của các tế bào miễn dịch. Các thành phần này bắt chước cơ chế neo đậu của virus HIV, lừa chúng nhanh chóng tiến hành lắp ghép.
Virus chỉ có thể thực hiện quá trình này một lần, nên thành phần giả lập của thuốc đã ngăn cản nó không thể bám dính các tế bào CD4 được nữa. Các nhà khoa học ví hiệu ứng này như việc đóng chặt cửa ngăn kẻ xâm nhập và ném chìa khóa đi.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trong 40 tuần. Kết quả, những con vật được tiêm thuốc eCD4-Ig vẫn sống sau 4 lần được tiêm virus với liều lượng đủ khiến chúng phát bệnh. Nghiên cứu còn phát hiện, sau 8-16 lần tiêm virus lây nhiễm, thuốc eCD4-Ig vẫn tiếp tục bảo vệ các cá thể khỉ đuôi trong vòng hơn một năm.
Với thành công này, giáo sư Farzan bày tỏ mong muốn sớm được tiến hành các cuộc thử nghiệm với thuốc eCD4-Ig ở người trong tương lai gần.
Tiến sĩ Shaun Griffin, giám đốc đối ngoại của Tổ chức từ thiện Terrence Higgins, hoan nghênh khám phá mới của giáo sư Farzan và các cộng sự. Tuy nhiên, ông vẫn tỏ ra thận trọng về hiệu quả của thuốc đến khi nó chính thức được thử nghiệm ở người.
Việc tìm kiếm vắc xin phòng HIV là một trong những vấn đề quan trọng của cuộc chiến chống AIDS của thế giới. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, từ năm 1981, khoảng 78 triệu người bị nhiễm HIV, 39 triệu người trong số đó đã tử vong.