Tiêu chảy đôi khi tốt cho sức khỏe

17/06/2017 18:21:00

Tiêu chảy có phải là triệu chứng của bệnh hay không? Quan niệm xưa nay cho rằng tiêu chảy cũng là cách giúp cơ thể thải độc tố và đôi khi tốt cho cơ thể, miễn là tiêu chảy ở mức độ nhẹ.

Tiêu chảy có phải là triệu chứng của bệnh hay không? Quan niệm xưa nay cho rằng tiêu chảy cũng là cách giúp cơ thể thải độc tố và đôi khi tốt cho cơ thể, miễn là tiêu chảy ở mức độ nhẹ.

 /// Ảnh: Shutterstock

Và quan niệm này đã được khoa học chứng minh là đúng ở góc độ nào đó.

Theo Daily Mail, một kết quả nghiên cứu mới vừa công bố đã cho con người một cái nhìn mới hơn về tiêu chảy khi các nhà khoa học phát hiện ra rằng tiêu chảy là do các protein gây ra sự rò rỉ vi mô ở thành ruột dẫn nước vào làm cho phân lỏng và hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Các nhà nghiên cứu ở Bệnh viện Phụ nữ và Brigham (BWH, Mỹ) đã xem xét các cơ chế miễn dịch gây tiêu chảy. Theo đó, tiêu chảy có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm nhiễm trùng, một số loại thuốc, quá nhiều caffeine hoặc rượu... Nó xảy ra khi có quá nhiều nước trong ruột thường được hấp thụ lại bởi cơ thể.

Tác giả nghiên cứu - Jerrold Turner tại Khoa Y học và Bệnh lý tại BWH - cho biết: "Giả thuyết rằng tiêu chảy làm sạch mầm bệnh đường ruột đã được thảo luận trong nhiều thế kỷ. Ảnh hưởng của nó đối với sự tiến triển của nhiễm trùng đường ruột vẫn chưa được tìm thấy. Và chúng tôi đã tìm cách xác định vai trò của bệnh tiêu chảy và xem liệu nó có phải là cách ngăn ngừa và trì hoãn mầm bệnh".

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng chuột bị nhiễm vi khuẩn có tên là Citrobacter rodentium. Trong vòng hai ngày sau khi chuột bị nhiễm, các nhà nghiên cứu đã thấy sự gia tăng tính thẩm thấu của rào cản ruột ở chuột - dẫn đến nước xâm nhập vào ruột, gây tiêu chảy. Điều này xảy ra lại tốt cho cơ thể trước khi viêm tế bào ruột xảy ra.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra hai loại protein mới liên quan đến tiêu chảy là interleukin-22 và claudin-2, mà con người cũng có. Họ phát hiện ra rằng khi chuột bị nhiễm bệnh, các tế bào miễn dịch di chuyển đến thành ruột và tạo ra interleukin-22. Interleukin-22 liên kết với các tế bào trên thành ruột, làm giải phóng một loại protein khác gọi là claudin-2. Claudin-2 gây rò rỉ ở thành ruột, cho phép nước vào và gây tiêu chảy.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm ba loại chuột khác nhau - những con chuột bình thường, những con chuột biến đổi gien tạo ra lượng lớn claudin-2, và những con chuột không có claudin-2. Theo đó, những con chuột thường bị tiêu chảy khi chúng bị ốm, và những con chuột tạo ra claudin-2 luôn bị tiêu chảy. Nhìn chung, tiêu chảy gây ra bởi hai phân tử tín hiệu này đã giúp thúc đẩy giải phóng mầm bệnh và hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Trong khi một số nhà nghiên cứu đã đề xuất hạn chế claudin-2 để ngăn ngừa bệnh tiêu chảy, thì tiến sĩ Turner và các đồng nghiệp của ông nói rằng con đường truyền tín hiệu này có thể rất quan trọng để chống lại các nhiễm trùng nhất định, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của bệnh.

Cho dù là nghiên cứu thực hiện ở động vật, nhưng cơ chế này cho thấy tầm quan trọng trong việc chống lại tất cả các nhiễm trùng và nếu nó cũng quan trọng ở người thì tiêu chảy đôi khi lại hữu ích cho con người.

Theo Ngọc Lam (Thanh Niên Online)