1. "Cảm thấy bị đánh giá thấp”
“Bạn trai (nay đã là bạn trai cũ) và tôi quyết định chuyển vào sống chung cùng nhau vào năm cuối khóa học tiến sĩ, đồng thời cũng là năm cuối của tôi ở trường luật. Chúng tôi đã nghĩ đó là một điều tốt vì cả hai đều không có nhiều thời gian rảnh để gặp gỡ nhau nên chuyển vào sống chung có vẻ như là giải pháp tốt nhất lúc đó. Nhưng thay vì việc mang chúng tôi gần lại với nhau hơn, việc sống chung đó ngược lại còn làm tổn thương mối quan hệ của hai đứa. Chúng tôi không còn cảm thấy như đang hẹn hò với nhau nữa. Sau khi về nhà, cả hai đứa đều mệt rã rời nên tôi không có ai để tâm sự về một ngày của mình đã diễn ra như thế nào, hay việc gì đang xảy ra với tôi. Thế rồi, một trong những giáo viên hướng dẫn của tôi bắt đầu thể hiện sự quan tâm dành cho tôi. Thời gian đầu, tôi cảm thấy tội lỗi nên mọi việc chỉ dừng lại ở mức những cuộc trò chuyện nho nhỏ sau giờ học. Thế nhưng, tôi đã để mọi chuyện đi xa hơn...” Cô D., 29 tuổi.
Ý kiến chuyên gia: Đối với người phụ nữ, một trong những “ma lực” thúc đẩy họ ngoại tình chính là cảm giác không được cảm kích, coi trọng, đánh giá đúng giá trị của họ trong một mối quan hệ. Điều này có thể dẫn đến những phản ứng khác nhau tùy theo mỗi người nhưng nhìn chung, khi người phụ nữ cảm thấy bị làm ngơ, bị bỏ rơi bởi người kia, họ có xu hướng mở rộng lòng mình hơn ra với những mối quan hệ ngoài xã hội. Giống như trong trường hợp ở trên, việc ngoại tình thường diễn ra với người đầu tiên xuất hiện và khỏa lấp sự trống trải đó trong lòng người phụ nữ. Nếu phụ nữ cảm thấy cô đơn, không kết nối chặt chẽ trong chính mối quan hệ của họ, khi có một ai đó thể hiện sự quan tâm của họ hay đánh giá cao vai trò của người phụ nữ, lúc đó là lúc người phụ nữ dễ lạc lòng nhất.
2. Muốn phám phá lựa chọn khác
“Mối quan hệ dài nhất của tôi kéo dài hơn 5 năm, xuyên suốt những năm cuối cấp 3 và phần lớn những năm đại học. Tôi lăng nhăng khá thường xuyên. Tôi chỉ muốn được thử cảm giác đó như thế nào với những chàng trai khác nhưng lại không muốn chia tay người yêu của mình. Tôi biết làm vậy là sai trái nhưng lúc đó tôi còn trẻ, tôi thấy tồi tệ nhưng đồng thời tôi lại có cảm giác muốn cưới chàng trai của mình, rồi yêu nhau mãi mãi. Tôi cảm giác như mình ngoại tình chỉ là để có cảm giác như mình đang còn độc thân, nhưng tôi lại không muốn mất đi người yêu. Đúng là nghe thật vô lý, nhưng nó là vậy. Kết quả là chúng tôi không cưới nhau. Có lẽ đó lại là điều tốt cho cả hai...” Cô L., 26 tuổi. |
Ảnh minh họa |
Ý kiến chuyên gia:Việc muốn khám phá các lựa chọn khác không chỉ diễn ra đối với những cặp yêu nhau lâu từ thuở học sinh mà có có thể xảy ra trong bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời của người phụ nữ. Rất nhiều người không muốn mất đi mối quan hệ hiện tại của họ, vì nó thỏa mãn toàn bộ những mong ước của họ về một mối quan hệ, về một người họ yêu nhưng đồng thời họ vẫn khát khao tìm hiểu những lựa chọn khác thì sao, cảm giác sẽ như thế nào, nếu thay đổi thì sẽ ra sao luôn thôi thúc họ dẫn đến việc đi “lạc lối” trong một khoảng thời gian ngắn.
3. Cảm thấy như bị ngược đãi
“Tôi đã yêu và mối quan hệ của chúng tôi bắt đầu khá tốt nhưng càng về gần cuối, anh ấy bắt đầu làm cho tôi cảm thấy mình chẳng làm được việc gì đúng đắn cả. Nếu tôi không nấu bữa tối, anh ấy sẽ kêu ca tôi lười và vô tích sự. Nhưng nếu tôi nấu, anh ấy lại ước giá như tôi gọi món gì cho họ mang đến tận nhà bởi vì chê tôi nấu quá tệ. Nếu tôi muốn giúp anh ấy bằng cách dọn dẹp phòng ốc mỗi khi tôi đến chơi thì anh kết tội tôi rằng đối xử với anh như thể anh là một đứa trẻ. Tất cả mọi việc tôi làm cũng chỉ muốn làm điều tốt cho anh ấy thôi, vậy mà... Thế rồi một hôm anh ấy đi thăm gia đình ở xa, tôi thì dự tiệc ở chỗ một người bạn. Có một chàng trai khen tôi làm bánh cupcake ngon, lại còn gọi tôi là đầu bếp hảo hạng. Anh ấy chắc rằng luôn có một chàng trai được tôi làm cho hạnh phúc. Tôi suýt bật khóc. Đêm đó, chúng tôi ngủ cùng nhau và ngày hôm sau, tôi chia tay gã người yêu tồi tệ của mình.” Cô L., 31 tuổi.
Ý kiến chuyên gia:Thường trong những mối quan hệ lâu dài, đôi khi các cặp đôi bắt đầu phát sinh những mâu thuẫn như vậy mà khởi nguồn là việc thiếu kĩ năng giao tiếp để trao đổi những vấn đề cơ bản dù là nhỏ nhặt trong những mối quan hệ đó. Những hệ lụy đó càng kéo dài thì khả năng ngoại tình của người phụ nữ càng cao lên.
4. Bởi mối quan hệ đang đứng bên bờ vực tan vỡ
“Chúng tôi yêu xa và tình trạng lúc ấy đã khá bấp bênh. Chúng tôi gặp nhau mỗi tháng 1 lần và lòng tin dành cho nhau thì lại cực kì thấp. Nếu tôi đi chơi với bạn, anh ấy sẽ hỏi có những người bạn nam nào ở đó, và nếu có người nam nào bị lẻ ra không có bạn gái đi cùng là anh ấy sẽ rất buồn, và sau đó sẽ là cả ngày trời tôi không có liên lạc nào từ anh ấy như cách anh ấy trả đũa tôi vậy đó. Tôi đã biết mối quan hệ này sẽ kết thúc nhưng tôi muốn nói trực tiếp với anh, vì chúng tôi vốn là bạn một thời gian dài trước khi thành cặp nên tôi cảm giác như tôi nợ anh ấy điều đó. Và rồi có một đồng nghiệp mới ở chỗ làm, chúng tôi bắt đầu đi chơi với nhau sau giờ làm việc và tôi tự hỏi cái quái gì đang diễn ra thế này. Nhưng chẳng sao, đằng nào mối tình của tôi với người yêu chẳng sắp kết thúc rồi.” Cô B., 26 tuổi.
Ý kiến chuyên gia: Khi người phụ nữ thấy mối quan hệ chính của họ đang đứng trên bờ vực thẳm, họ có xu hướng kiếm một đối tác khác để lăng nhăng. Lý do là bởi họ muốn né tránh hiện thực rằng mối quan hệ của họ sắp tan vỡ bằng cách ngoại tình và sẽ bị phân tâm bởi sự ngoại tình đó. Nhiều người không muốn đối mặt với hiện thực chẳng mấy tốt đẹp bằng cách vẽ nên một hiện thực khác đẹp đẽ hơn trong những mỗi quan hệ “ngoài luồng” của họ. Nếu cảm thấy bản thân mình cũng như vậy, đừng ngoại tình, hãy dừng lại tìm một giải pháp cho cả hai trước tiên, thậm chí là phải chia tay còn tốt hơn là tiếp tục mà lừa dối.
5. Sự kì vọng trái với thực tế
“Tôi đã lừa dối người bạn trai mà chúng tôi đã bắt đầu yêu từ khi còn học cấp 3, sau 10 năm bên nhau. Chúng tôi gặp nhau khi còn quá trẻ, tôi đã hi vọng sau khi tốt nghiệp, anh ấy sẽ học đại học như bao nhiêu người khác, ra trường, có việc làm và chúng tôi sẽ ổn định nhưng không như vậy. Anh ấy rớt đại học, chuyển việc liên tục và việc đó thực sự ảnh hưởng tới mối quan hệ của chúng tôi. Tôi cảm giác như giữa tôi và anh ấy không còn điều gì chung nữa. Tôi đã ngoại tình với một người bạn thời đại học của mình.” Cô B., 28 tuổi.
Ý kiến chuyên gia:Khi người phụ nữ kì vọng một điều gì đó ở người đàn ông của họ mà anh ta không thực hiện được, họ sẽ đi kiếm tìm sự bù đắp trong một thoáng từ người khác, với hi vọng nó sẽ tốt lên. Nếu bạn cảm thấy mình rơi vào hoàn cảnh nào, hãy tự hỏi chính bản thân, rằng mình có muốn tiếp tục mối quan hệ với người đặt bạn vào trong tình thế với những kì vọng không như mong ước hay không.
Theo Minh Minh (aFamily.vn/Trí thức trẻ)