Thuốc điều trị chứng hôi miệng

19/12/2015 07:04:19

Hôi miệng là chứng bệnh rất thường gặp, tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến sự giao tiếp của người mắc bệnh.

Hôi miệng là chứng bệnh rất thường gặp, tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến sự giao tiếp của người mắc bệnh.

Nguyên nhân do các vấn đề răng miệng: Đây là nguyên nhân chủ yếu, chiếm đến 85% các nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng như:

Vệ sinh răng miệng kém: Việc giữ vệ sinh răng miệng kém làm các thức ăn còn sót lại trong răng miệng, tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn phân hủy protein trong thức ăn thành những hợp chất sulfur có mùi hôi.

Các bệnh lý về răng miệng: Viêm lợi, nha chu, sâu răng… cũng là những nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng.

Do khô miệng: Nước bọt trong miệng giúp rửa sạch các loại vi khuẩn ra khỏi miệng. Giảm tiết nước bọt thường xảy ra khi ngủ, nên vào lúc sáng thức dậy miệng thường khô và hôi.
 

Các nguyên nhân khác:

Do thuốc: Một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ khô miệng, do làm giảm tiết nước bọt và gây ra hôi miệng như thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm…

Thực phẩm: Một số loại thực phẩm dùng làm gia vị như: hành, tỏi… khi sử dụng nhiều gây ra chứng hôi miệng. Uống nhiều các thức uống chứa cồn, cà phê làm giảm tiết nước bọt cũng gây ra chứng hôi miệng.

Hút thuốc: Hút thuốc lá nhiều sẽ gây ra các bệnh về răng miệng: viêm lợi, nha chu… nên thường gây ra hôi miệng.

Các bệnh lý về đường tiêu hóa (viêm loét dạ dày- tá tràng trào ngược dạ dày - thực quản, táo bón…), hay các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp (viêm xoang, viêm họng, viêm amidan…) hoặc một số bệnh lý gan, thận, phổi… cũng gây ra chứng hôi miệng.

Thuốc điều trị chứng hôi miệng

Trong điều trị chứng hôi miệng, các loại thuốc được sử dụng tùy theo nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng:

Các  dung dịch súc miệng giúp vệ sinh răng miệng, trong thành phần thường có chứa các chất kháng khuẩn như: chlorhexidin, hexetidin, zin gluconat, chlorin dioxide… sẽ làm sạch khoang miệng, loại bỏ các vi khuẩn ra khỏi miệng.

Các thuốc kháng histamin H2 (cmetidine, ranitidin…) hoặc các thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, lansorprazol…), được sử dụng trong điều trị chứng hôi miệng do các bệnh lý đường tiêu hóa như: viêm loét dạ dày - tá tràng, trào lưu thực quản - dạ dày…

Các thuốc kháng sinh nhóm beta-lactam, macrolid… được sử dụng trong điều trị chứng hôi miệng do các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp ( viêm xoang, viêm họng, viêm amidan…) hoặc các bệnh nhiễm trùng răng miệng (viêm lợi, sâu răng, nha chu…).

Việc phòng ngừa chứng hôi miệng là hết sức quan trọng, cần thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng thật tốt:

Nên đánh răng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ, dùng chỉ nha khoa và bàn chải cạo lưỡi để loại bỏ thức ăn thừa.

Nếu sử dụng răng giả, trước khi đi ngủ nên tháo rời và ngâm vào dung dịch sát trùng, sau khi thức dậy nên chải răng sạch sẽ rồi mới sử dụng trở lại.

Nên đi khám răng đều đặn để sớm phát hiện các bệnh lý răng miệng giúp điều trị kịp thời.

Và thay đổi lối sống như:

- Hạn chế sử dụng bia rượu, cà phê và các loại gia vị hành, tỏi… gây hôi miệng.

- Không hút thuốc lá.

- Nên uống nhiều nước giúp miệng được sạch và không bị khô.

- Ăn nhiều loại rau quả có chứa nhiều vitamin C (một loại vitamin rất tốt cho răng miệng).

Theo DS. Mai Xuân Dũng (Sức Khỏe & Đời Sống)