Thực phẩm nào chữa được ung thư? Đây là câu trả lời rất rõ ràng

10/08/2017 10:44:00

Tôi phải nói ngay rằng, chưa có 1 khẩu phần ăn nào được thiết lập để điều trị ung thư. Nói ngắn gọn, chẳng có thực phẩm nào, thảo dược nào, chế độ ăn uống nào trị được ung thư cả.

Tôi phải nói ngay rằng, chưa có 1 khẩu phần ăn nào được thiết lập để điều trị ung thư. Nói ngắn gọn, chẳng có thực phẩm nào, thảo dược nào, chế độ ăn uống nào trị được ung thư cả.

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Không cứ gì các loại gia vị rau răm hành tỏi mới có dược tính, mà các loại rau quả thông thường cũng có, như các loại rau họ cải: cải xanh, cải xoăn, cải xoong, bắp cải, súp lơ… cũng thế.

Rau họ cải giúp điều hòa hệ enzyme phức tạp của cơ thể để ngừa ung thư, thậm chí làm ngưng tăng trưởng tế bào ung thư. Những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã xác thực như thế. Còn con người khi ăn các loại rau này có hiệu quả như vậy hay không thì khoa học chưa khẳng định.

Điều này cũng tương tự với các loại gia vị như rau răm, hành tỏi, gừng, nghệ…

PV: Ông nghĩ thế nào về khái niệm thực phẩm có thể giúp phòng/chữa bệnh?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Phòng bệnh và chữa bệnh là 2 vấn đề khác nhau. Tôi không có tư cách để nói chuyện chữa bệnh, thậm chí cũng không thể đưa ra lời khuyên, mắc bệnh này thì nên kiêng hay ăn thứ này thứ nọ. Chữa bệnh thuộc thẩm quyền của ngành y.

Phòng bệnh thì có nhiều cách. Một trong những cách đó là thực phẩm.

Mà thực phẩm liên quan đến phòng bệnh có 2 yếu tố: an toàn và ăn uống (cân bằng)

Thực phẩm trước tiên là phải an toàn. Thực phẩm được xem là an toàn nếu tuân thủ đầy đủ những quy định về an toàn của cơ quan thẩm quyền.

Chẳng hạn, rau phải dùng thuốc trừ sâu, phân bón thế nào. Thực phẩm chế biến, nếu dùng phụ gia thực phẩm phải dùng dưới mức cho phép. Các quy định về ngưỡng vi sinh gây bệnh, bảo quản…Tuân thủ những quy định này để đề phòng ngộ độc cấp tính và mãn tính. Đây là điều bắt buộc nếu bạn muốn cung cấp thực phẩm cho cộng đồng.

Kế đó là ăn uống cân bằng. Đây là sự chọn lựa của riêng bạn. Vấn đề không phải một loại thực phẩm nào đó, mà là khẩu phần ăn của bạn thế nào, có đầy đủ dinh dưỡng hay không: protein, glucid, chất béo, chất xơ, các khoáng, vitamin… Những thứ này có thế lấy từ nhiều nguồn khác nhau, nay thứ này, mai thứ khác, như rau quả, đậu, thịt cá… rồi còn bớt mặn bớt ngọt nữa.

Cách ăn uống này khoa học gọi là ăn uống cân bằng.

An toàn thực phẩm và ăn uống cân bằng giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn, đề kháng với bệnh tốt hơn. Thực phẩm phòng bệnh, theo tôi hiểu là như thế. Dĩ nhiên còn những yếu tố phòng bệnh khác như rèn luyện thân thể, tránh stress… cũng không thể bỏ qua.

Thực phẩm nào chữa được ung thư? Đây là câu trả lời rất rõ ràng  - Ảnh 1.

Những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, rau họ cải giúp điều hòa hệ enzyme phức tạp của cơ thể để ngừa ung thư (Ảnh: Internet)

PV: Tôi vẫn còn băn khoăn, vì nhiều bài báo nói thực phẩm có thể trị được ung thư. Nhưng ở chỗ khác lại nói, nếu bị ung thư nên hạn chế trứng sữa thịt cá, vì những thứ dinh dưỡng này sẽ nuôi tế bào ung thư làm chúng phát triển nhanh. Ý kiến của ông thế nào?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tôi phải nói ngay rằng, chưa có một khẩu phần ăn nào được thiết lập để điều trị ung thư cả. Khoa học chưa làm được điều này. Nói ngắn gọn, chẳng có thực phẩm nào, thảo dược nào, chế độ ăn uống nào trị được ung thư cả.

Cũng có thể có vài trường hợp cá biệt, rất hiếm hoi, khỏi bệnh. Khoa học chưa giải thích được, nhưng không có nghĩa là khỏi bệnh do thảo dược đó. Tính khoa học của điều trị là lập đi lập lại và mọi kết quả, hoặc đa số kết quả đều như nhau.

Ung thư không phải là chuyện đùa. Mắc phải ung thư là chạy đua với thời gian. Đừng lãng phí thời gian vào những chuyện nhảm nhí liên quan đến thực phẩm thần thánh, để rồi bác sĩ phải thở dài vì quá muộn. Hãy đến bác sĩ chuyên khoa để có cách điều trị tốt nhất.

Còn chuyện tiết thực, hạn chế ăn uống để tế bào ung thư chậm phát triển cũng chỉ là tin đồn nhảm nhí, không có cơ sở khoa học. Người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện, tinh thần lạc quan, có sức khỏe để có thể "chịu" được các đợt xạ trị, hóa trị…

PV: Không trị được ung thư, thế liệu thực phẩm có phòng ngừa được ung thư không, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nghiên cứu để tìm ra mối quan hệ giữa thực phẩm và ngăn ngừa ung thư là điều khó khăn, vì hàng ngày, hàng tuần chúng ta ăn nhiều loại thực phẩm, rồi lại nấu nướng khác nhau nữa. Do đó, nói ăn thực phẩm này, thực phẩm nọ có thể phòng ngừa ung thư chẳng có gì là chắc chắn ở đây cả, dù trong thực phẩm đó có những chất được xác định là có thể ngừa ung thư.

Dù không chắc chắn nhưng khoa học không phủ nhận lợi ích của chúng. Nhiều thực phẩm đã được nghiên cứu, và cho thấy chúng rất có thể, tôi nhấn mạnh, rất có thể, giúp ngừa được ung thư, nhờ một số hoạt chất có sẵn trong thực phẩm. Những hoạt chất này gồm:

Các sắc tố carotenoids làm cho rau quả có màu đỏ, cam, vàng, hoặc xanh đậm.

Các loại polyphenols trong nhiều loại trái cây như táo, trà xanh, dâu tây, thảo dược…

Nhưng thực phẩm lành mạnh mới chỉ là một yếu tố trong phòng ngừa ung thư thôi. Các yếu tố còn lại là lối sống của bạn: ăn uống cân bằng dinh dưỡng, duy trì thể trọng vừa phải, tập luyện, và tinh thần lạc quan thoải mái.

PV: Thưa ông, trên kia là nói về thực phẩm nói chung, giờ tôi xin đi vào một loại thực phẩm cụ thể. Gần đây tôi đọc báo, kể cả báo nước ngoài, đều ca ngợi một loại gia vị có nhiều ở VN, đó là củ gừng. Có vẻ như gừng được đánh giá rất cao về khả năng chữa nhiều loại bệnh, thông tin này có đúng không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Hoạt tính của gừng là do 3 chất gingerol, zingerone và shogaol. Cả 3 chất này đều tạo ra mùi hăng và dễ bay hơi.

Đúng là trên mạng có rất nhiều thông tin thần thánh về gừng. Khoa học cũng đề cập đến lợi ích của gừng với ít nhiều dè dặt.

Các thí nghiệm trên súc vật cho thấy, gingerol làm tăng nhu động ruột (nhuận tràng), giảm đau, kháng khuẩn. Chất zingerone, ít hăng nhất, có thể diệt vi khuẩn E.Coli gây tiêu chảy. Còn shogaol làm giảm huyết áp và co thắt bao tử.

Gừng có thể giúp ngăn ngừa buồn nôn, ói mửa khi bị say xe, ốm nghén, giảm nôn nao khó chịu ở bao tử, và viêm khớp mãn tính

Về say xe (tàu thuỷ, máy bay), nhiều nghiên cứu cho thấy gừng có khi công hiệu, có khi không, tương tự như nhiều loại thuốc chống buồn nôn khác, chỉ có điều gừng ít bị tác dụng phụ hơn.

Với mấy bà bầu ốm nghén, xem ra gừng có vẻ hiệu quả hơn. Một nghiên cứu trên 70 bà bầu bị buồn nôn, ói mửa, thì uống 1 g gừng mỗi ngày, ít buồn nôn thấy rõ so với mấy bà uống giả dược (placebo).

Đó là những công dụng ít ỏi mà y học phương Tây dè dặt nói về gừng. Nói chung là giải quyết một vài triệu chứng, có tính hỗ trợ điều trị thôi.

Còn nói gừng làm hạ mỡ máu, trị tiêu chảy, trị rối loạn tiền đình… thì khoa học chưa dám khẳng định. Gừng trị cả bệnh ung thư thì khoa học lại càng không dám nói tới. Tuy nhiên, làm giảm buồn nôn ói mửa sau khi "vào thuốc" (hoá trị) ung thư, thì gừng tỏ ra có hiệu quả trong nhiều trường hợp.

Thực phẩm nào chữa được ung thư? Đây là câu trả lời rất rõ ràng  - Ảnh 2.

Gừng tươi dùng như một loại gia vị thì có thể ăn thoải mái (Ảnh: Internet)

PV: Tôi có thể coi gừng như thuốc để chữa những bệnh gì? Có thể coi gừng như thực phẩm chức năng ăn hàng ngày để phòng ngừa và chữa bệnh lâu dài được không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tôi chỉ xem gừng là gia vị thôi, nghĩa là dùng gừng tươi ấy. Còn nếu xem là thuốc để chữa bệnh này bệnh nọ, thì bạn nên đến gặp bác sĩ để tham vấn.

Nhưng tôi tin, không có vị bác sĩ nào dám xem gừng là thuốc điều trị đâu. Vì để xem gừng là thuốc thì phải xác định được liều lượng sử dụng, hiệu quả, tương tác thuốc, tác dụng phụ… Đến nay, khoa học vẫn chưa xác định những yêu cầu trên đối với gừng.

PV: Người ta còn nói, ăn gừng vào buổi tối độc không khác gì ăn thạch tín. Đứng về mặt khoa học, ông thấy điều đó có cơ sở không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Ăn gừng hay uống trà gừng vào buổi tối có làm mất ngủ hay không, tôi không biết. Ít ra với tôi là không. Tôi cũng không có thông tin khoa học nào nói về tác dụng phụ của gừng khi dùng vào buổi tối thế này.

Còn nói rằng , ăn gừng vào buổi tối độc chẳng khác gì ăn thạch tín thì chỉ là cách so sánh không có cơ sở khoa học.

PV: Theo những lời khuyên trên mạng, tôi ăn hoặc uống trà gừng hàng ngày thì có tốt không? Có tác dụng phụ gì không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Gừng có thể gây phản ứng phụ, làm chậm đông máu, làm hạ đường máu, hạ huyết áp, và có thể tương tác với một số loại thuốc. Các bà bầu, bà mẹ đang cho con bú, nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu sử dụng liều trên 1g gừng (khô) mỗi ngày. Cần lưu ý rằng, hoạt chất trong gừng khô coi như gấp 6 lần gừng tươi do gừng khô bị mất nước.

Gừng bán ngoài thị trường ở dạng chiết xuất thành tinh dầu, dạng bột, viên nhộng (capsule), hay dạng trà gừng, gừng khô… Bạn thấy đó, hễ dính tới thực phẩm chức năng là người ta quảng cáo mát trời lên. Bột gừng, tinh dầu gừng cũng đâu ngoại lệ.

PV: Một câu hỏi riêng tư, ông thấy vị gừng thế nào, có hợp với ông không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tôi hảo mùi vị của gừng mà. Thỉnh thoảng tôi cũng uống trà gừng. Khí hậu Đà Lạt lạnh, uống một ly trà gừng nóng thấy dễ chịu, nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi.

Nhưng xem gừng (tươi) là gia vị, thì tôi xài thoải mái. Cá trê nướng, bắp bò hấp, thịt vịt luộc mà chấm nước mắm gừng thật là tuyệt hảo. Rất bắt mồi nơi xứ lạnh (cười).

PV: Nhiều nghiên cứu nói rằng gừng chữa được bệnh "bất lực" ở nam giới, cũng tương tự như thông tin rau răm ăn nhiều sẽ gây hại cho "bản lĩnh quý ông". Có phải vì thế mà người ta ăn chung gừng và rau răm trong món trứng vịt lộn để... trung hoà không, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Gừng làm tăng, rau răm làm giảm, ăn chung với hột vịt để trung hòa. Nghe hấp dẫn đấy!

Rất tiếc, tôi chưa thấy một nghiên cứu nào về gừng đề cập tới vấn đề "sanh tử" này. Gừng trị bất lực chỉ là chuyện bàn nhậu như rau răm thôi.

Dân Philippine, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc,…ăn rau răm rất thường, nhưng đâu có ai gán cho rau răm cái tội ác ôn đó. Cũng chẳng ai tôn vinh gừng làm thần dược chữa cái bệnh oái oăm đó cả.

Tôi ngờ, rau răm là cách biện minh của quý ông cho sự "yếu đuối" của mình. Còn gừng? Khi nào quý bà tôn vinh gừng thì tôi tin.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Bích Hiền (Soha/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật