Năm 2000 Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới, năm 2015 lên đến 150.000, các chuyên gia cho rằng thực phẩm bẩn là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, chiếm khoảng 35%.
Các nhà nghiên cứu ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 và trở thành nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, sở dĩ số ca mắc ung thư tăng nhanh trong những năm gần đây do 3 nguyên nhân chính: Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng. Trong đó tác nhân thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%, thuốc lá 30%, di truyền chỉ 5-10%, còn lại là các nguyên nhân khác.
Tổ chức Người tiêu dùng thế giới cảnh báo vấn nạn thực phẩm bẩn đã và đang trực tiếp hủy hoại sức khỏe con người, gây ra những căn bệnh cấp tính và mạn tính, đặc biệt là ung thư. Một vấn nạn nhức nhối hiện nay là tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi trong nuôi trồng. Người ta ước tính 50% thuốc kháng sinh trên thế giới đã được dùng trong nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi nhằm tăng năng suất, tăng lợi nhuận. Việc dùng thuốc kháng sinh phổ biến đã làm xuất hiện những chủng vi khuẩn có tính năng chống kháng sinh cao hơn. Về lâu dài, chúng sẽ vô hiệu hóa tất cả thuốc kháng sinh đang dùng cho người, đẩy nhân loại vào những dịch bệnh thảm khốc.
Tại hội thảo "Vì thị trường thực phẩm an toàn" sáng 26/3, ông Đỗ Ngọc Chính, đại diện Văn phòng phía Nam của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt nam (Vinastas) nêu lên vấn nạn mang tính quốc gia ở nước ta là việc sử dụng các loại thuốc tăng trọng trong chăn nuôi heo ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dùng. Từ tháng 5/2011 Vinastas khảo sát thị trường thức ăn chăn nuôi heo và gà ở TP HCM phát hiện nhiều loại chứa các chất tăng trọng thuộc nhóm Beta-agonist, trong đó phổ biến nhất là salbutamol và clenburetol, vốn đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới.
Theo ông Chính, Beta-agonist là nhóm thuốc dùng trong điều trị các bệnh về hen suyễn, viêm phế quản ở người với lượng rất nhỏ nhằm khai thông đường thở bằng cách làm dãn cơ bao quanh đường thở. Nó cũng gây ra tác dụng phụ như kích động, co giật, rối loạn nhịp tim, giảm kali trong máu. Thuốc đã được chứng minh gây quái thai ở động vật. Trong chăn nuôi, salbutamol và clenburetol được dùng nhằm kích thích tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc của vật nuôi. Người tiêu dùng ăn phải thịt có tồn dư các chất trên có thể dẫn đến ngộ độc, bệnh mạn tính, ung thư, thậm chí tử vong.
Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng đã khảo sát thực trạng tồn dư chất Beta-agonist trong thịt heo tại TP HCM kéo dài suốt 4 tháng cuối năm 2011 phát hiện 10/30 mẫu thịt có tồn dư Beta-agonist, chiếm 33%. Năm 2015, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai kiểm tra 356 mẫu phát hiện 47 mẫu dương tính salbutamol, tương đương 13,2%. Trong 3 tháng đầu năm nay, kiểm tra 50 mẫu, phát hiện 8 mẫu dương tính với salbutamol, tương đương 16%.
Ông Chính lên án hành vi của một số nhà sản xuất làm trắng các sản phẩm từ bột gạo bằng chất làm trắng huỳnh quang (tinopal). Theo ông, đây là một hành động gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Đặc biệt có thể làm tổn thương những mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng.
Tháng 6/2013 Vinastas đã khảo sát và lấy 30 mẫu các loại bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt để kiểm tra. Kết quả cho thấy 24/30 mẫu có sự hiện diện của chất làm trắng quang học, chiếm tỷ lệ 80%. Đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo: "Người ăn bún, phở chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư. Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Hơn nữa, đây là một chất dùng trong công nghiệp nên khó tránh khỏi trong đó có chứa các tạp chất gây hại cho sức khỏe".
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục An toàn thực phẩm TP HCM cũng dẫn nhiều vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian như dùng nhớt thải tưới rau muống, trái cây và rau củ dư lượng chất bảo vệ thực vật, dùng hóa chất tạo màu vàng cho gà, "phù phép" thịt heo nái thành thịt bò... Theo bà, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này một phần là sự yếu kém của cơ quan chức năng trong kiểm soát nông sản thực phẩm và giết mổ gia súc, gia cầm, tình hình gia tăng nạn vận chuyển sản phẩm động vật bẩn, trái phép vào các thành phố lớn, ý thức của người tiêu dùng chưa cao...
Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương bắt quả tang các công nhân của một cơ sở chăn nuôi đang tiêm thuốc an thần và bơm nước vào miệng heo. Chủ cơ sở khai mua heo từ Bến Tre rồi đưa về để bơm nước nhằm tăng trọng. Heo bị tiêm thuốc an thần sẽ dễ bơm nước và yên ổn trong quá trình chuyển đến lò giết mổ ở TP HCM. Mỗi ngày có gần 300 con heo được bơm nước và tiêm thuốc. Tại hiện trường, công an thu giữ bơm tiêm, 32 xô nước có gắn vòi, 48 chai thuốc an thần nhãn hiệu prozil fort. Đây là loại thuốc cấm sử dụng cho heo chuẩn bị giết thịt. Theo quy định, heo bị tiêm thuốc phải để sau 7 ngày mới được giết mổ. Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng thường xuyên ăn thịt này có nguy cơ bị mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu. |
Theo Trần Ngoan (VnExpress.net)