Các mẹ hãy mở sổ tiêm chủng của con ra, kiểm tra ngay xem bé đã được tiêm phòng vắc-xin viêm não mô cầu chưa, đã tiêm những chủng vắc-xin nào để kịp thời hẹn lịch tiêm cho con nhé!
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng, có thể lấy đi sinh mạng của trẻ đang khỏe mạnh chỉ trong vòng 24 giờ sau những triệu chứng đầu tiên xuất hiện và thường gia tăng mạnh vào giai đoạn mùa đông xuân và mọi lứa tuổi đều có thể mắc căn bệnh này.
Viêm màng não mô cầu có thể lây truyền khi dùng chung ly, cốc uống nước, sống cùng khu tập thể, nhà trường, mẫu giáo, sinh hoạt cộng đồng, người hút thuốc lá hay tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá...
Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, vì vậy biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ chính là tiêm vắc-xin.
1. Bé ở độ tuổi nào thì tiêm được vắc-xin phòng viêm não mô cầu?
Hiện nay có 2 loại vắc-xin tiêm phòng viêm não mô cầu. Vì mỗi loại vắc-xin chỉ phòng ngừa được một số chủng vi khuẩn não mô cầu nhất định nên các mẹ có thể cho bé tiêm cả hai loại để phòng được bệnh viêm màng não mủ do não mô cầu tuýp A, tuýp B và tuýp C.
- Vắc-xin viêm não mô cầu A+C:
Đối tượng tiêm chủng: Vắc-xin Meningococcal A+C được dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Sau mũi tiêm đầu tiên, cứ 3-5 năm tiêm nhắc lại 1 lần. Nếu trẻ có tiếp xúc với người bệnh bị nhiễm Meningococcal A+C thì có thể đưa trẻ đi tiêm phòng nếu trẻ trên 6 tháng tuổi.
Tác dụng phụ: Trong vòng 24 giờ sau khi tiêm, có thể có sốt nhẹ, hơi đỏ và đau ở chỗ tiêm. Các biểu hiện thường mất đi sau 1 - 2 ngày và chỉ gặp ở khoảng 5 - 10% số người tiêm vắc-xin này.
- Vắc-xin viêm não mô cầu B+C:
Đối tượng tiêm chủng: Vắc-xin được tiêm cho trẻ từ 3 tháng tuổi và các đối tượng sống trong vùng dịch hay phải đi đến vùng dịch. Sau mũi đầu tiên, mũi nhắc lại 1 lần sau ít nhất 2 tháng.
Không được tiêm cho người quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc-xin. Vắc-xin này cũng chống chỉ định trong các trường hợp sốt, nhiễm khuẩn cấp tính và dị ứng đang tiến triển và các bệnh mãn tính không tự điều chỉnh.
Phản ứng phụ: Không có phản ứng phụ nghiêm trọng, một số người có biểu hiện đau nhức vị trí tiêm sau khi tiêm vắc-xin hoặc sốt.
2. Một số triệu chứng cụ thể của bệnh viêm màng não mô cầu cha mẹ cần biết
1. Triệu chứng sớm:
- Sốt cao 39 - 40 độ
- Buồn nôn và nôn
- Cáu gắt, bỏ ăn
- Đau đầu, chóng mặt
- Đau họng, chảy nước mũi.
2. Triệu chứng muộn:
Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cứng cổ, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời (Ảnh minh họa). |
3. Mẹ phòng tránh bệnh viêm não mô cầu cho trẻ như thế nào?
Với trẻ chưa đủ độ tuổi tiêm chủng 2 loại vắc-xin trên, cha mẹ cần chú trọng bảo vệ con tránh khỏi nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này bằng cách:
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Thường xuyên rửa tay chân bằng xà phòng cho trẻ, hướng dẫn trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày, xịt rửa mũi bằng các dung dịch vệ sinh mũi họng thông thường.
- Chú ý vệ sinh nơi ăn ở của trẻ, đảm bảo luôn thông thoáng, sạch sẽ.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc chỗ đông người, nhất là với người mắc bệnh về hô hấp. Trong trường hợp buộc phải cho trẻ đến nơi công cộng như bệnh viện, nên cho trẻ đeo khẩu trang để hạn chế sự lây lan.