Tại sao tình yêu giống như thuốc phiện?

24/02/2016 09:34:39

Khi dùng các chất kích thích, một loạt hoóc-môn trong cơ thể tác động lên não bộ, gây ra cảm giác hưng phấn, cũng hệt như cảm giác hưng phấn lúc mới yêu.

Khi dùng các chất kích thích, một loạt hoóc-môn trong cơ thể tác động lên não bộ, gây ra cảm giác hưng phấn, cũng hệt như cảm giác hưng phấn lúc mới yêu.

Càng trải nghiệm tình yêu, lòng ham muốn của chúng ta với nó lại càng gia tăng hơn. Chúng ta nhớ đến cảm giác hưng phấn khi được trở thành một phần máu thịt của người khác. Ai cũng muốn kiếm tìm lại những cảm xúc khó nói ấy thêm nhiều lần nữa.

Theo Elitedaily, tình yêu và các loại chất gây nghiện đều kích thích vào cùng một phần não bộ. Ngay sau khi dùng các loại chất kích thích như cocaine, các chất truyền dẫn thần kinh trong não bộ (như serotonin, dopamine và norepinephrine) hoạt động mạnh đột ngột. Chúng gây ra cảm giác hưng phấn. Lúc mới yêu, người ta cũng có sự kích thích tương tự như vậy.
 

Helen Fisher, nhà nhân học chuyên nghiên cứu về các loại quan hệ tình cảm, từ lâu đã quan tâm đến hiện tượng này. Những nghiên cứu của bà chỉ ra rằng, khi yêu, chất serotonin sẽ khiến người ta cảm thấy tự tin hơn, norepinephrine cung cấp năng lượng còn dopamine thì gia tăng sự hài lòng. Nói một cách đơn giản, một khi yêu, bạn có thể cảm thấy như mình đang đứng ở trên đỉnh thế giới.

Ngoài việc kích thích hoạt động của các chất truyền dẫn thần kinh trong não, một tình yêu mới cũng giữ vai trò quan trọng tác động tới hạch hạnh nhân (amygdala). Những cảm xúc căng thẳng kích thích hạch hạnh nhân truyền tín hiệu xuống tuyến thượng thận. Tuyến này sản xuất ra adrenaline, một loại hoóc-môn khiến bạn cảm thấy sợ hãi, kích động.

Ngoài ra, chất noradrenaline cũng khiến bạn đổ mồ hôi. Cortisol truyền vào cơ bắp bạn những đợt sóng năng lượng mạnh mẽ, làm tăng huyết áp. Tất cả nghe giống như những phản ứng vật lý của cơ thể với các loại thuốc kích thích vậy.

tai-sao-tinh-yeu-giong-nhu-thuoc-phien
Ảnh trong bộ phim "Love and Other Drugs".
Ngày nay, người ta còn chứng minh được rằng tình yêu thay đổi não bộ giống như các chất gây nghiện. Một câu hỏi khác được đặt ra: liệu tình yêu có giúp bạn giảm nhẹ đi những nỗi đau?

Hai tiến sĩ - Arthur Aron và Sean Mackey - từ Đại học Stony Brook (Mỹ) đã đưa ra giả thuyết này. Họ lập luận rằng: hệ thống khen thưởng của não bộ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều chỉnh các cảm xúc tiêu cực, nỗi đau. Xúc cảm tình yêu tác động trực tiếp lên hệ thống khen thưởng ấy. Và do đó, nó giúp giảm bớt những nỗi đau.

Lấy lại thăng bằng sau một cuộc chia tay cũng giống như cai được một loại chất gây nghiện nào đó. Chúng ta đều từng có lần trải qua những cảm giác đau khổ khủng khiếp của sự tan vỡ trong tình yêu. Nó khiến ta không thể chợp mắt, không thể ăn uống và thậm chí không thể thở nổi. Lý do của những triệu chứng này là: khi chia tay một ai đó đồng thời bạn cũng đang tập "cai" cảm giác được yêu thương.

Helen Fisher cũng tiến hành nghiên cứu những ảnh hưởng mà một cuộc chia tay có thể gây ra cho não bộ thông qua các thí nghiệm với những chàng trai và cô gái trẻ đang chịu dư chấn sau khi kết thúc mối quan hệ của họ mới đây.

Khi những tình nguyện viên nhìn vào ảnh của người yêu cũ, phần não bộ "sáng" lên trên máy scan. Việc này có quan hệ với những nỗi đau về thể xác, tinh thần mà họ từng nếm trải. Đó cũng là những vùng não bộ bị kích động ở người nghiện chất kích thích.

Cũng giống như cảm giác mà người nghiện thuốc trải qua, những người tổn thương vì chia tay thường dễ bị ám ảnh và hay nhìn hiện thực dưới một góc độ không bình thường, bị bóp méo.

Như vậy, có lẽ cách chia tay người yêu khôn ngoan nhất chính là tỏ ra tỉnh bơ, lạnh lùng, không nhắn tin, không email và cũng không gọi điện.

Tình yêu có thể say đắm lúc ban đầu nhưng một khi đã biến chất, nó có thể nguy hiểm như cocaine vậy. Hãy nghĩ về điều đó khi bạn "cảm nắng" và định tán tỉnh ai đó.
 
>> Sự khác biệt giữa tình yêu và ham muốn
 
Theo Minh Phương (VnExpress.net)

Nổi bật