Tại sao lại có những người mẹ giết con?

15/06/2017 16:20:00

Trong những ngày gần đây, dư luận bàng hoàng bởi nghi án bà mẹ giết con trai 33 ngày tuổi, nhưng những vụ mẹ giết con không phải là hiếm gặp như chúng ta thường nghĩ.

Trong những ngày gần đây, dư luận bàng hoàng bởi nghi án bà mẹ giết con trai 33 ngày tuổi, nhưng những vụ mẹ giết con không phải là hiếm gặp như chúng ta thường nghĩ.

Jill Korbin, một chuyên gia về lạm dụng trẻ em, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu về những người mẹ giết con, cho biết: "Bị giết là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 4 tuổi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục kiên trì quan điểm rằng đây là một hành vi hiếm gặp".

Nancy Scheper-Hughes, một chuyên gia nhân học y tế, chia sẻ: "Chúng ta nên rời bỏ ý nghĩ cho rằng làm mẹ là một bản năng tự nhiên và coi đây là một phản ứng xã hội. Xã hội thường có sự phủ nhận ngay cả khi người mẹ nói rằng "Thực sự không nên tin tưởng vào tôi trong việc chăm sóc con cái".

Ba yếu tố chính thường đóng vai trò quan trọng khi người mẹ giết con của mình là loạn thần sau sinh, đổ vỡ tâm thần do các yếu tố như ghen tuông và bỏ rơi, và bạo lực gia đình.

 

Những thảm kịch từ bệnh tâm thần sau sinh

- Shwe Htoo, 23 tuổi, người gốc Myanmar tị nạn tại Mỹ, đã bị buộc tội giết người cấp một sau khi giết chết con trai mình, bé Michael.

Vào đêm ngày 17/11/2015, người mẹ trẻ đã pha thuốc ngủ và thuốc giảm đau vào bình sữa, sau khi cho con bú, cô uống đã hết phần còn lại và sau đó bị nôn ra. Sáng hôm sau, cả Htoo và Michael vẫn còn sống, nhưng người mẹ vẫn quyết tâm theo đuổi kế hoạch giết đứa bé và chính mình.

Htoo đã bịt miệng con trai bằng tay trong hơn 5 phút cho đến khi đứa trẻ ngừng thở. Sau đó, người mẹ đặt con trai vào xe ô tô và bị cảnh sát bắt khi đang lái lòng vòng đề tìm chỗ tự tử.

- Tại Ấn Độ tháng 10/2015 , một phụ nữ thú nhận đã giết con gái 7 tháng tuổi của mình trong cơn loạn thần do trầm cảm sau sinh. Vụ việc xảy ra tại Pategarapalya khi những người dân địa phương phát hiện thi thể của đứa trẻ trong một hố nước.

Ban đầu, người ta cho rằng đây là một trường hợp chết đuối do tai nạn, nhưng các cuộc điều tra tiếp theo đã chỉ ra nghi vấn ở người mẹ - Shilpa 23 tuổi. Khi bị thẩm vấn, người mẹ trẻ thừa nhận đã giết con mình.

Quá trình điều tra cho thấy người mẹ bị trầm cảm nặng sau khi sinh và không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ tinh thần mạnh mẽ nào. Sự tuyệt vọng của người mẹ càng tăng lên sau khi sinh đứa con gái thứ hai

- Mervat Azmy Dimitry, 44 tuổi, sống ở Winnipeg, Mỹ đã bị buộc tội giết đứa con hai tháng tuổi. Việc điều tra cho thấy người mẹ có thể đã bị trầm cảm sau sinh.

Tháng 4 năm 2015, đội điều tra lạm dụng trẻ em của cảnh sát Winnipeg bắt đầu khởi tố vụ án sau khi đứa con 2 tháng tuổi của Dimitry được đưa tới bệnh viện với những thương tích cả cũ và mới. Một ngày sau, cô bé chết.

Do luật bảo vệ quyền riêng tư, cảnh sát cho biết họ không thể xác nhận liệu Dimitry có bị trầm cảm sau sinh hay không. Tuy nhiên, họ đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài và thẩm vấn trước khi bắt người mẹ.

Hai năm trước đó, sự hỗ trợ đã đổ dồn về Winnipeg cho Lisa Gibson, một phụ nữ đã phải vật lộn với chứng trầm cảm sau sinh.

Thi thể của Gibson được tìm thấy trên sông Red River sau khi hai đứa con của cô được phát hiện chết đuối trong bồn tắm.

- Một người mẹ bị loạn thần sau sinh đã khiến cô nghe thấy tiếng nói và tưởng tượng về việc giết con gái 15 tháng tuổi của mình. Lyndsey Walker, 20 tuổi, sống tại Anh, chưa từng bị bệnh tâm thần, đã mắc phải căn bệnh tâm thần nặng và nghiêm trọng sau khi sinh con gái Elizabeth,.

Chứng loạn thần thể hiện bằng một giọng nói đàn ông trong đầu Walker nói rằng cô là không thích hợp để làm mẹ và rằng gia đình cô sẽ tốt hơn nếu cô chết.

 

- Felicia Boots, một nhà thiết kế trang sức, đã bóp chết con trai 10 ngày tuổi tên là Mason (ảnh trên) và con gái Lily 14 tháng tuổi sau khi gia đình chuyển đến ngôi nhà mới ở phía nam London, vào tháng 5/ 2012.

Vào thời điểm đó, Boots, 36 tuổi, đang bị trầm cảm sau sinh và bị hoang tưởng rằng các con của cô sắp bị dịch vụ xã hội đưa đi mất. Cô bị kết án tù và sau đó đã được trẻ tự do. Người chồng vẫn luôn đứng bên cô trong suốt thời gian đó.

Còn đây có lẽ là vụ việc khiến người ta bàng hoàng nhất

Andrea (Kennedy) Yates sinh ngày 2 tháng 7 năm 1964 ở Houston, Texas. Cô tốt nghiệp Trường Trung học Milby ở Houston vào năm 1982 và sau đó tốt nghiệp Trường Điều dưỡng của Đại học Texas ở Houston năm 1986.

Trải qua một thời gian dài vật lộn với bệnh trầm cảm, ngày 20/6/2001, trong lúc chồng đi làm và mẹ chưa đến giúp, Andrea đã thực hiện những suy nghĩ đã ám ảnh cô trong suốt 2 năm.

Người mẹ đổ đầy nước vào bồn tắm và dìm chết năm đứa con của mình, bốn trai và một gái, sau đó lần lượt đưa xác các con lên giường.

Trong khi thẩm vấn, Andrea giải thích hành động của mình là do mình “không phải là một người mẹ tốt” và rằng những đứa trẻ đã "không phát triển đúng đắn" và cô cần phải bị trừng phạt.

Phiên tòa gây tranh cãi kéo dài ba tuần. Bồi thẩm đoàn kết luận Andrea phạm tội giết người, nhưng thay vì đề nghị hình phạt tử hình, họ bỏ phiếu kết án chung thân. Đến năm 2041, ở tuổi 77, Andrea sẽ đủ điều kiện để được tạm tha.

Trầm cảm sau sinh và loạn thần sau sinh

Trầm cảm sau sinh là một vấn đề phổ biến có thể xảy ra trong vòng bốn tuần sau khi sinh. Nó có thể ảnh hưởng đến cả người mẹ và người cha, mặc dù chỉ có một tỷ lệ nhỏ người cha gặp phải tình trạng này.

Các triệu chứng phổ biến bao gồm trầm cảm, cảm giác tuyệt vọng, lo lắng, sợ hãi, mặc cảm, không có khả năng gắn bó với đứa con mới sinh, cảm thấy vô dụng. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến loạn thần sau sinh.

Loạn thần sau sinh nghiêm trọng và nguy hiểm hơn nhiều. Các triệu chứng bao gồm mất ngủ trầm trọng, hành vi ám ảnh, và ảo thanh, trong đó người mẹ nghe thấy những tiếng nói bảo rằng phải tự tử, cắt rạch và/hoặc giết đứa con của mình.

Thường thì người mẹ sẽ tin rằng hành động như vậy sẽ cứu đứa trẻ khỏi cuộc sống khổ sở.

Loạn thần đổ vỡ

Trong một số trường hợp, đứa trẻ bị giết chết do hậu quả của người mẹ bị loạn thần đổ vỡ do cảm giác bị bỏ rơi và ghen tuông trong trường hợp người cha của đứa trẻ đi khỏi nhà. Trong một số trường hợp, nhu cầu tìm cách trả thù là lý do.

Theo Cẩm Tú (Dân Trí)