Tại sao khi say rượu hay bị nôn

28/06/2015 14:32:04

Xin hỏi bác sĩ tại sao mỗi lần say rượu tôi bị nôn rất nhiều cho dù không còn gì trong bụng.

Xin hỏi bác sĩ tại sao mỗi lần say rượu tôi bị nôn rất nhiều cho dù không còn gì trong bụng.

 

Ảnh minh hoạ: Health.

 
Trả lời:

Chào bạn,

Hội chứng như miêu tả trên xuất hiện bởi sự thiếu hụt một enzym tên là ALDH2 có tác dụng hạn chế sự gia tăng của hoạt chất acetaldehyde trong máu. Enzym ALDH2 giúp các hoạt chất acetaldehyde chuyển hóa thành acetate (thành phần cơ bản của giấm).

Acetaldehyde tích tụ trong máu khiến cơ thể nóng bừng, đỏ mặt, nôn mửa và tim đập nhanh ở một số người. Ngoài ra, acetaldehyde cũng là thủ phạm gây ra những cơn nhức đầu vào buổi sáng sau mỗi trận “chè chén”.

Acetaldehyde là một chất độc, ức chế hệ thần kinh trung ương, có thể gây rối loạn tâm thần, hôn mê, ức chế hô hấp… Vì vậy bạn nên cố gắng hạn chế lượng rượu uống trong một lần, tránh để bụng đói khi uống rượu.

Để giải rượu, bạn có thể tham khảo những cách sau:

- Lấy một nắm rau cần, rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt, pha chút đường uống từ từ. Nước cốt rau cần không chỉ làm tỉnh rượu mà còn giúp người say không bị đau đầu váng vất sau khi tỉnh.

- Lá dong (dùng để gói bánh chưng) 100-200 g, rửa thật sạch, giã nát vắt lấy nước cốt pha đường uống.

- Trà búp 5 g, 16 g quất khô thái vụn (có thể dùng mứt quất hoặc quất tươi cũng được). Hai thứ hãm với nước sôi uống.

- Pha một cốc bột sắn dây có vắt chanh để uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại. Sắn dây cũng giúp gan đào thải độc tố.

- Giã nát một ít củ cải trắng, vắt lấy nước cốt, thêm chút đường rồi uống làm nhiều lần.

- Ăn các sản phẩm từ đậu xanh (khoảng 10-30 g), hoặc giã 5-10 g đậu xanh cả vỏ, pha đường uống.

- Giấm ăn 60 g, đường 15 g, gừng 3 lát, giã nát, hòa lẫn với nhau rồi uống.

- Chanh tươi một quả, vắt nước cho uống hoặc thái mỏng, ăn cả quả càng tốt.

- Dùng 30 g vỏ quýt phơi khô (để lâu năm càng tốt) có thể sao thơm, thêm mơ chua 2 quả, cho vào khoảng 300 ml nước, sắc nhỏ lửa 20-30 phút rồi uống. Cho thêm chút nước gừng hoặc trà gừng thì càng tốt.

Các biện pháp trên phần nào có tác dụng giải rượu, giảm bớt phần nào tác hại của rượu. Bạn có thể chọn biện pháp nào thuận lợi hoặc có sẵn trong gia đình. Quan trọng nhất là cần biết làm chủ bản thân để không uống quá nhiều.

Để phòng say rượu, bạn nên lưu ý: Không uống rượu trong lúc bụng đói. Trước đi "vào tiệc" hãy uống một ly sữa, ăn một chút trái cây hoặc uống một muỗng canh dầu ô liu. Nên uống 2 viên 50 mg vitamin B6, kèm theo một viên vitamin B1 để làm bớt say hơn một nửa. Lưu ý, vitamin B6 không nên dùng thường xuyên vì có thể gây biến chứng không tốt.

Khi đang uống rượu: Hãy uống thật chậm. Uống nước thật nhiều. Không nên uống các loại rượu pha với nước có gas như bia, champagne, rượu mạnh pha với soda hay các loại nước ngọt có gas khác.

Thân mến.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Bay
Trưởng cơ sở 3
Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM

Theo VnExpress.net

Nổi bật