Tại sao chỉ vì nụ hôn, trẻ có thể gặp "tử thần"?

27/04/2015 11:16:47

Bác sỹ lý giải tại sao chỉ vì một nụ hôn, trẻ rất dễ dàng bị nhiễm virus Herpes Simplex gây viêm não và có thể tử vong.

Bác sỹ lý giải tại sao chỉ vì một nụ hôn, trẻ rất dễ dàng bị nhiễm virus Herpes Simplex gây viêm não và có thể tử vong.

‘Tử thần’ đến từ những nụ hôn
 
Tờ Dailymail đưa tin bé  Eloise Lampton được sinh mổ khỏe mạnh vào ngày 1/11/2014 tại Bệnh viên Mackay ở phía bắc Bang Queensland (Úc). Cháu qua đời vào ngày 24/11/2014 và được xác định nhiễm virus Herpes Simplex.
 

Virus Herpes Simplex gây ra nhiều cái chết cho trẻ.


Sau khi sinh khỏe mạnh tại bệnh viện, Eloise được trở về nhà cùng bố mẹ. Tuy nhiên, một tuần sau  khi sinh bé bị sút 1kg, gia đình đã lo lắng và nhanh chóng đưa bé tới Bệnh viện Mater ở Brisbane.

Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán bé bị nhiễm virus Herpes Simplex do một người nào đó tới thăm đã truyền lại.

Bố của bé Eloise Lampton là ông Douglas Lampton, 35 tuổi và bà mẹ trẻ 28 tuổi Sarah Pugh đã vô cùng đau đớn khi phải đón nhận nỗi đau này sau khi niềm vui đón đứa con đầu lòng vừa đến chưa được bao lâu.

Kể từ sau khi đưa trở lại bệnh viện bé Eloise phải sử dụng các máy móc, thiết bị y tế hỗ trợ cho sự sống của mình.

Bố mẹ của em bé được xét nghiệm và kết quả cho thấy cả hai âm tính với virus Herpes Simplex. Các bác sỹ kết luận, có thể một người thân nào đó bị loét miệng và có virus Herpes Simplex đã truyền lại khi tới thăm và hôn bé, bé đã nhiễm loại virus này ngay từ ngày thứ hai mới sinh.

Virus đã tấn công hết não bộ của bé, cơ quan nội tạng cũng không còn hoạt động, vì vậy bác sỹ đã quyết định để cho bé được ra đi thanh thản.

Tại sao virus Herpes Simplex nguy hiểm?

Bác sỹ Lương Quốc Chính, Bệnh viện Bạch Mai kiêm quản trị diễn đàn Bác sĩ nội trú cho biết: Virus herpes simplex, còn được gọi là HSV, là một bệnh nhiễm trùng gây ra bệnh herpes. Herpes có thể xuất hiện ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, thường gặp nhất trên bộ phận sinh dục hay miệng.
 

Mụn rộp trên miệng có thể là biểu hiện hiện của người bị nhiễm virus Herpes Simplex.


Có hai loại virus herpes simplex. HSV-1, còn được gọi là herpes miệng, có thể gây ra lở loét lạnh và mụn nước sốt xung quanh miệng và trên mặt. HSV-2 thường chịu trách nhiệm cho sự bùng phát herpes sinh dục.
 
Virus herpes simplex là một loại virus truyền nhiễm có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp.

Trẻ em có thể bị nhiễm HSV-1 khi tiếp xúc với người trưởng thành bị nhiễm bệnh, sau đó đứa trẻ sẽ mang virus suốt cuộc đời. Nhiễm HSV-1 có thể xảy ra do dùng chung đồ ăn, hôn…

Một người có thể không có vết loét hoặc các triệu chứng có thể nhìn thấy, họ vẫn có thể bị nhiễm bệnh do virus này và có thể truyền virus cho người khác.

Người có vết phồng rộp trong miệng, trên miệng hoặc trên cơ quan sinh dục, đau khi đi tiểu, ngứa là triệu chứng liên quan đến virus Herpes Simplex.

Ngoài ra, người nhiễm có thể có triệu chứng tương tự như bệnh cúm. Những triệu chứng này có thể bao gồm sốt, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, mệt mỏi, và chán ăn. HSV cũng có thể lây lan đến mắt, gây ra một tình trạng gọi là herpes viêm giác mạc. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như đau mắt, chảy nước, và một cảm giác có sạn trong mắt.

Virus này trở nên nguy hiểm khi nó tấn công trẻ nhỏ, có thể gây tử vong.

Bác sỹ Lương Quốc Chính nói: Virus Herpes simplex virus type 1 (HSV-1) là một trong những nguyên   nhân thường gặp nhất gây bệnh viêm não và viêm màng não ở trẻ.

Các hội chứng lâm sàng đặc trưng với khởi đầu là sốt, nhức đầu, co giật, suy giảm nhận thức. Virus này gây bệnh viêm não với tỉ lệ tử vong đáng kể. Ở trẻ sơ sinh, viêm não herpes có thể được gây ra bởi hoặc HSV-1 hoặc HSV-2.

Bác sỹ Chính cho rằng, để giảm nguy cơ mắc HSV-1, không nên để trẻ nhỏ tiếp xúc với nước bọt, da, niêm mạc người mắc HSV- 1 cần phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh.

Cha mẹ nên đưa con đi khám bác sỹ khi trẻ bị sốt dưới 6 tháng tuổi, không kiểm soát được nhiệt độ (dù đã cho uống thuốc mà vẫn không hạ sốt). Cha mẹ nghi ngờ trẻ bị mất nước do nôn, tiêu chảy ( mắt trũng, khóc không nước mắt).

Trẻ đã được đi khám bác sỹ nhưng tình trạng không cải thiện hoặc xuất hiện các triệu chứng mới.

Trẻ cần được khám cấp cứu khi sốt kèm theo các dấu hiệu sau: Cha mẹ cảm thấy lo âu và không liên hệ được với bác sỹ; Bạn nghi ngờ bé bị mất nước; Trẻ xuất hiện co giật; Phát ban; Xuất hiện thay đổi tri giác; Trẻ thở nhanh, sâu, thở khó khăn; Trẻ dưới 2 tháng tuổi; Đau đầu liên tục; Nôn nhiều; Trẻ có bệnh mãn tính khác, đang điều trị thuốc kéo dài.
 
Theo Nguyễn Tâm (VTC.vn)

Nổi bật