Sốt - khi nào cần đến bệnh viện?

11/07/2017 08:49:00

Sốt không phải lúc nào cũng nghiêm trọng. Đặc biệt với trẻ em, sốt là dấu hiệu thường gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau trong suốt thời kỳ thơ ấu. Đó cũng có thể là phản ứng của trẻ với sự thay đổi môi trường hoặc các tác nhân bên ngoài.

Sốt không phải lúc nào cũng nghiêm trọng. Đặc biệt với trẻ em, sốt là dấu hiệu thường gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau trong suốt thời kỳ thơ ấu. Đó cũng có thể là phản ứng của trẻ với sự thay đổi môi trường hoặc các tác nhân bên ngoài.

Ảnh minh hoạ: Internet

Tuy nhiên theo các BS, không thể vì bất cứ lý do nào mà chủ quan khi bị sốt. Sau đây là những khuyến cáo của các BS để mọi người theo dõi và kịp thời đến bệnh viện, tránh những hậu quả đáng tiếc do chủ quan.

Đối với trẻ em

Sốt được định nghĩa là khi đo nhiệt độ hậu môn từ 38 độ. Các vùng khác có thể đo nhiệt độ như: Tai, hố nách, miệng. Tuy nhiên đo nhiệt độ ở hậu môn là tin tưởng nhất. Khi sốt cao, bố mẹ có thể quan sát thấy trẻ có biểu hiện rét run, rùng mình. Nhưng đó chưa phải là co giật bởi vì toàn trạng trẻ vẫn tỉnh táo. Trong trường hợp nghi ngờ có co giật, bố mẹ có thể đem trẻ đi khám. Phần lớn trẻ sốt là do nhiễm virus (chiếm 80%) và cũng có thể do nhiễm khuẩn nhưng ít gặp hơn.

Các trường hợp trẻ sốt thường gặp:

- Trẻ sốt do bị sổ mũi, cúm, viêm mũi họng, viêm đường ruột do nhiễm virus.

- Trẻ sốt do viêm tai mủ, viêm amidan mủ, viêm phổi nhiễm khuẩn, viêm thận do nhiễm vi khuẩn.

- Trẻ sốt do phản ứng sau tiêm vacxin cũng có thể xảy ra.

Trường hợp cần phải đưa trẻ đi khám ngay: 

- Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi, sốt từ 38 độ trở lên thì ngay cả khi trẻ vẫn có biểu hiện bình thường, trẻ vẫn cần được bác sĩ khám và cho làm xét nghiệm máu để kiểm tra.

- Trẻ từ 3 – 36 tháng tuổi sốt từ 38 độ trở lên trong 3 ngày.

- Trẻ ở mọi độ tuổi cần phải khám bác sĩ nếu có các biểu hiện sau: Sốt trên 40 độ, sốt kèm theo co giật, sốt tái phát, trẻ sốt có tiền sử bệnh tim, ung thư, bệnh luput …, trẻ sốt kèm nổi ban da.

- Cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước nhằm bù dịch nếu trẻ sợ khám bác sĩ.

- Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà và theo dõi trẻ.

- Nếu trẻ sốt từ 38 độ 5 trở lên:

• Cho trẻ dùng hạ sốt Paracetamol dạng uống hoặc đặt hậu môn.

• Dùng Ibuprofene nếu Paracetamol không có hiệu quả.

• Sốt dưới 38 độ 5, không cần thiết phải dùng hạ sốt.

• Tuyệt đối không cho trẻ uống Aspirine vì có thể nguy cơ bị Hội chứng Reye.

• Cởi quần áo cho trẻ nhằm hạ thân nhiệt và giảm sốt.

- Tuyệt đối không tự động cho trẻ dùng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Thuốc kháng sinh chỉ đem lại hiệu quả đối với trẻ có biểu hiện sốt do nhiễm khuẩn, kháng sinh không có tác dụng nếu nếu trẻ có biểu hiện sốt do virus.

Đối với người lớn

Bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc đến phòng khám nếu bạn bị sốt và có bất kỳ triệu chứng nào khác dưới đây:

Khi sốt kéo dài hơn 48 giờ.

Khi đi kèm với nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 12 giờ hoặc có máu.

Khi đi kèm với ho có đờm hoặc dịch nhầy màu vàng, xanh, hoặc lẫn máu.

Khi đi kèm với đau đầu nghiêm trọng, cổ cứng, buồn ngủ và nôn. Đây là trường hợp cấp cứu y tế - ngay lập tức đi đến phòng cấp cứu.

Khi sốt có chu kỳ hạ sốt rồi sốt lại, ra mồ hôi ban đêm và sưng hạch bạch huyết.

Khi sốt nhẹ đi kèm với đau họng và mệt mỏi.

Khi đi kèm với đau họng và đau đầu hơn 48 giờ.

Khi đi kèm với đau bụng, dạ dày, buồn nôn và nôn.

Khi đi kèm với một tai nạn, chấn thương.

Khi các cố gắng làm mát, hạ sốt không có hiệu quả - Đây là trường hợp khẩn cấp và bạn nên tìm sự chăm sóc y tế ngay.

Khi bạn vừa bắt đầu dùng thuốc mới và không có các triệu chứng khác.

Khi bạn cảm thấy đau hoặc buốt khi đi tiểu kèm triệu chứng đau lưng.

Theo Quảng An (Tiền Phong)

Nổi bật