Sổ quản lý tiêm chủng số giúp bà mẹ kiểm soát lịch tiêm văcxin cho con

24/03/2017 20:32:00

Với hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, các bà mẹ có thể chọn giờ, địa điểm tiêm, đặt lịch hẹn tránh chờ đợi; lịch sử tiêm chủng được theo dõi suốt đời.

Với hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, các bà mẹ có thể chọn giờ, địa điểm tiêm, đặt lịch hẹn tránh chờ đợi; lịch sử tiêm chủng được theo dõi suốt đời.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hệ thống sẽ quản lý, lưu trữ một số lượng lớn thông tin tiêm chủng của trẻ ở độ tuổi tiêm chủng trên tất cả trạm y tế cấp phường/xã, quận/huyện và tỉnh thành. Qua đó người dân có thể đăng ký nơi, giờ tiêm chủng, được nhắc lịch tiêm qua tin nhắn… Lịch sử tiêm chủng người dân được theo dõi suốt đời, thông tin được bảo mật cao.

so-quan-ly-tiem-chung-so-giup-ba-me-kiem-soat-lich-tiem-vacxin-cho-con

Tất cả các thông tin tiêm chủng của trẻ (tiêm miễn phí và tiêm dịch vụ) đều được cập nhật, lưu trữ trên hệ thống quản lý số. Ảnh: N.Phương.

“Hệ thống này cũng giúp cơ quan chức năng phát hiện kịp thời những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ; những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Đó là bước đột phá lớn trong công tác tiêm chủng”, Thứ trưởng Long nhấn mạnh. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị áp dụng phần mềm này trên toàn quốc từ ngày 1/6. Đến ngày 1/6/2018 sẽ không sử dụng giấy trong tiêm chủng trong phạm vi toàn quốc.

Từ năm 2016 đến nay, hệ thống đã được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành. 100% xã, phường đã nhập thông tin của hơn 700.000 trẻ trong 2 năm gần nhất.

Đại tá Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel- đơn vị xây dựng hệ thống cũng cho biết, hệ thống này sử dụng dễ dàng trên cả máy tính bảng, smartphone. Mỗi người dân sẽ được theo dõi và quản lý tiêm chủng trọn đời theo mã số cá nhân. Qua đó người dân có thể dễ dàng sử dụng để nắm được lịch sử tiêm chủng, số mũi tiêm, phản ứng sau tiêm của con. Hệ thống cũng loại bỏ hoàn toàn việc quản lý trên giấy từ đó tiết kiệm thời gian và giúp tiết kiệm 100 tỷ mỗi năm cho xã hội.

Theo tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, việc áp dụng hệ thống này giúp thành phố tiết kiệm được 2 tỷ đồng mỗi năm. Hiện mỗi năm, Hà Nội tiêu tốn 600 triệu đồng cho việc in ấn trong công tác tiêm chủng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn tất cả mọi trẻ em đều được chăm sóc toàn diện, trước hết là sức khỏe từ khi còn trong bụng mẹ đến khi ra đời, lớn lên; tư vấn từ trước khi cặp vợ chồng có ý định có con. Hệ thống này kết nối trên 14.000 điểm tiêm chủng, 12.000 trạm y tế.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị sớm kết nối đồng bộ hệ thống trên cả nước, chậm nhất là ngày 1/6/2018.

Hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, hàng trăm triệu liều văcxin đã được tiêm miễn phí cho trẻ và phụ nữ với nhiều loại văcxin được sử dụng. Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, sởi... đã giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với trước đây.

Theo Nam Phương (VnExpress.net)

Nổi bật