Sắp thử nghiệm thuốc điều trị Zika trên người

09/11/2016 09:46:00

Các nhà khoa học Mỹ hôm 7/11 công bố đã tìm ra cách điều trị bệnh do virus Zika bằng kháng thể từ người từng bị nhiễm và có thể thử nghiệm trên người trong 9-12 tháng tới.

Các nhà khoa học Mỹ hôm 7/11 công bố đã tìm ra cách điều trị bệnh do virus Zika bằng kháng thể từ người từng bị nhiễm và có thể thử nghiệm trên người trong 9-12 tháng tới.
 

Một đứa trẻ bị dị tật đầu nhỏ do người mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai. Ảnh: Health.

Theo Health, phương pháp điều trị này có nguồn gốc từ kháng thể lấy từ máu của những người đã khỏi bệnh sau khi nhiễm virus Zika. Thử nghiệm được thực hiện trên những con chuột mang thai cho thấy hiệu quả điều trị rất tốt, giúp giảm mức độ virus trong các chuột mẹ và bảo vệ chuột con khỏi sự tàn phá của virus Zika.

“Đây là bằng chứng cơ bản cho thấy cá thể nhiễm virus Zika khi mang thai có thể điều trị, ít nhất là ở chuột”, Tiến sĩ Michael Diamond đến từ Đại học Washington (Mỹ) đại diện nhóm nghiên cứu nói.

Virus Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi, có thể gây dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ nhiễm virus này khi mang thai. Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã tiến hành sàng lọc 29 kháng thể Zika được lấy từ các tế bào bạch cầu của bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm các chủng virus Zika ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Họ đã tìm ra kháng thể ZIKV-117 có khả năng thể ức chế khiến cho virus Zika trở nên vô hại.

Thử nghiệm kháng thể được thực hiện trên những con chuột mang thai trong vòng 2 ngày từ lúc chưa nhiễm Zika đến khi có kết quả dương tính với virus này. Qua quan sát lâm sàng, nhóm nhà khoa học nhận thấy: “Các kháng thể đã làm giảm virus ở chuột mẹ và bào thai, giúp bảo vệ nhau thai và phòng chống tổn hại đến thai”.

Tiến sĩ James Crowe, Đại học Y Vanderbilt, đồng tác giả nghiên cứu nói nói ông và các đồng nghiệp dự định sẽ tiếp tục phát triển công trình nghiên cứu, tiến tới việc cấp phép sản phẩm kháng thể trên cho mục đích thương mại. Nhóm nghiên cứu tin rằng, công trình nghiên cứu này đã sẵn sàng cho các cuộc thử nghiệm trên người trong vòng từ 9 đến 12 tháng tới.

Từ góc độ khác, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, cảnh báo không phải mọi thứ đang thử nghiệm ở chuột đều có thể áp dụng trên người. Tuy nhiên, ông nhìn nhận việc tìm ra kháng thể chống lại virus Zika mang lại kết quả tích cực trong thử nghiệm ở chuột là một động lực lớn để tiến hành các nghiên cứu quy mô lớn nhằm mang lại hiệu quả rộng rãi hơn.

Theo Trần Ngoan (VnExpress.net)

Nổi bật