Sai lầm thường gặp khi bị ung thư

31/03/2016 11:51:41

Ung thư không chữa khỏi được, bệnh có tính di truyền và sẽ lây lan, nên nhịn ăn và không nên đụng dao kéo... là những quan niệm sai lầm tai hại.

Ung thư không chữa khỏi được, bệnh có tính di truyền và sẽ lây lan, nên nhịn ăn và không nên đụng dao kéo... là những quan niệm sai lầm tai hại.

10 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới tại Việt Nam gồm: ung thư phổi, dạ dày, gan, đại - trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tuyến tiền liệt, khoang miệng. 10 loại ung thư có tỷ lệ mới mắc cao nhất ở nữ giới Việt Nam phổ biến là ung thư vú, đại- trực tràng, phế quản - phổi, cổ tử cung, dạ dày, giáp trạng, gan, buồng trứng, hạch, máu.

Ca điều trị xạ phẫu cho bệnh nhân có khối u gan. Ảnh: Đắc Đức.


Ung thư nguy hiểm nhưng quan niệm sai lầm của nhiều người khiến việc điều trị gặp khó khăn và nguy cơ tử vong tăng. Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam chỉ ra những sai lầm nhiều người đang mắc phải:

Quan niệm "ung thư không chữa khỏi được"

Ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng với khoa học ngày nay 1/3 có thể phòng được, 1/3 chữa khỏi ở giai đoạn sớm, 1/3 kéo dài cuộc sống ở giai đoạn muộn. Mọi người cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh, phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp để chữa hiệu quả bệnh ung thư.

Trên thực tế ở các nước có nền y tế phát triển đã chữa khỏi trên 50% bệnh ung thư nhờ phát hiện sớm. Ở nước ta, tỷ lệ khỏi bệnh thấp do phần lớn người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn. Nhiều người tin cách chữa phản khoa học nên đến bệnh viện muộn.

Bệnh ung thư có di truyền

Nhiều người cho rằng bệnh ung thư có tính chất gia đình, nhưng thật ra bệnh không di truyền từ cha, mẹ sang con giống như các đặc tính di truyền khác như chiều cao hay màu tóc, màu da... Chỉ có một số ít bệnh ung thư liên quan đến di truyền. Phần lớn người bệnh ung thư không liên quan đến di truyền và cũng không để lại bệnh cho thế hệ sau.

Cần hiểu một cách đầy đủ hơn, bệnh ung thư là loại bệnh do tổn thương gen gây ra. Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương gen. Hơn 80% là do các yếu tố bên ngoài môi trường tác động đến cơ thể. Những tổn thường gen này không di truyền. 10% tổn thương gen có sẵn trong cơ thể, những tổn thương gen này có thể di truyền, nhưng không phải sẽ di truyền cho tất cả con của người có gen này, chỉ khoảng 50% số con sẽ nhận di truyền các gen đó. Trong số những người con có gen ung thư này, cũng không phải tất cả sẽ bị ung thư, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ mắc ung thư.

Bệnh ung thư sẽ lây

Bệnh ung thư hoàn toàn không lây nhiễm từ người này sang người khác do tiếp xúc, dù ung thư đường hô hấp hay bất kỳ loại ung thư nào. Ung thư cùng với một số bệnh khác như tim mạch, thấp khớp, rối loạn chuyển hóa, bệnh nội tiết, tâm thần... được xếp vào nhóm bệnh không lây nhiễm.

Bị ung thư là do "kiếp trước" mắc tội

Câu hỏi đầu tiên mà rất nhiều người vừa phát hiện ung thư đặt ra thường là "Tại sao lại là tôi", "Tôi đã làm gì sai?"... Nhiều người tin rằng họ bị trừng phạt do kiếp trước mắc tội hoặc trong quá khứ đã làm việc không nên làm. Tâm lý người bệnh nghĩ rằng ung thư là án trừng phạt bản thân mà không hiểu phần lớn do môi trường sống.

Không nên bồi dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Không ít người cho rằng bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất... còn sau giai đoạn điều trị chỉ nên ăn gạo lức, muối vừng để cơ thể gầy yếu, không nuôi dưỡng khối u, nhằm làm khối u teo dần. Những quan niệm sai lầm này ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị, làm giảm thời gian sống của bệnh nhân, đồng thời làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng tử vong.

Nhiều người còn truyền tai nhau rằng người mắc ung thư không nên ăn trứng vịt lộn, bởi nó sẽ làm ung thư phát triển nhanh hay tái phát. Song, theo các chuyên gia, chưa có một tài liệu khoa học nào chứng minh rằng ăn trứng vịt lộn hay các thực phẩm có nguồn gốc tế bào mầm làm tăng nguy cơ gây ung thư.

Bệnh nhân ung thư không nên đi đám tang

Nhiều người có quan niệm, người mắc ung thư cần tránh xa đám tang vì đi dự đám tang làm cho bệnh di căn nhanh hoặc tái phát trở lại. Đây thực sự là một quan niệm sai lầm, không có cơ sở khoa học. Phải khẳng định rằng dự đám tang không bao giờ dẫn tới việc tế bào ung thư di căn hay bệnh quay trở lại. Cảm giác mệt mỏi mà những người bệnh nhận thấy sau khi dự đám tang là do ảnh hưởng về mặt tâm lý. Đây cũng là cảm giác xảy ra không chỉ với người bệnh ung thư mà với bất cứ người nào.

Đặc tính của bệnh ung thư là tái phát và di căn. Khi đã chữa ung thư phải luôn tuân thủ việc tái khám. Nếu giai đoạn sớm, nguy cơ tái phát ít nhưng không ai dám chắc sẽ diệt được tế bào ung thư cuối cùng.

Bệnh nhân mắc ung thư đụng "dao kéo" nhanh chết

Đây là tư tưởng sai lầm trong cách điều trị ung thư. Không ít người khi biết mình bị ung thư đã không đến ngay các cơ sở y tế để điều trị, chữa bệnh tuân theo phác đồ của bác sĩ mà nghe theo lời mách bảo truyền miệng dùng, uống các loại lá không rõ nguồn gốc. Người bệnh vô tình đánh mất thời gian vàng điều trị bệnh. Sau khi điều trị bằng thuốc lá không có hiệu quả, bệnh nặng lên, người bệnh mới quay trở lại điều trị theo lộ trình của bác sĩ thì đã muộn.
 
>> Giới trẻ: Ngon - rẻ là chuyện của mình, ung thư là chuyện người ta!
>> Những hiểu lầm thường gặp về bệnh ung thư

Theo Lê Nga (VnExpress.net)